PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

31/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong dịp hè
Vào mùa hè, khi học sinh được nghỉ học, nguy cơ trẻ em xảy ra tai nạn thương tích càng tăng cao. Ðể kỳ nghỉ hè của các em bổ ích, an toàn, ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhà trường cùng phụ huynh chủ động trang bị các kỹ năng cơ bản giúp trẻ phòng tránh các rủi ro tai nạn có thể xảy ra.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Công an tỉnh tuyên truyền trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho thiếu nhi

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em, đồng thời là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tai nạn thương tích nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em nói chung, đặc biệt vào trong dịp hè nói riêng. Đồng thời biên soạn tài liệu gửi các đơn vị, địa phương nhằm tổ chức tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; ban hành văn bản chỉ đạo UBND huyện, thành phố thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông nâng cao nhận thức cho các bậc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Tuy nhiên, tai nạn thương tích thực tế luôn là những sự việc bất ngờ xảy ra, làm tổn thương đến cơ thể, gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần đối với trẻ và không chỉ riêng trong dịp hè, bởi vậy chỉ cần một phút lơ là, chủ quan của người lớn là trẻ có thể gặp tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, việc thiếu sân chơi an toàn cho trẻ, không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, không có rào chắn... cũng tiềm ẩn không ít rủi ro với trẻ em.

Thực tế, hằng năm trên địa bàn tỉnh đều xảy ra các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, thậm chí đã xảy ra trường hợp trẻ bị tử vong, đây là những tổn thất không thể bù đắp. Cụ thể, theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, toàn tỉnh có hơn 200 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong số này có 4 trẻ em tử vong. Từ đầu năm đến nay, có 66 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 3 trẻ em tử vong (1 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, 2 trẻ em tử vong do đuối nước).

Những mối nguy hiểm này có thể phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc phát sinh nếu phụ huynh, những người chăm sóc trẻ tăng cường sự giám sát, tạo môi trường sống an toàn hoặc định hướng, tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động bổ ích. Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, bổ ích cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, xã hội mà còn cần sự đồng hành, quan tâm của gia đình, vì vậy, ngành Giáo dục cần làm tốt công tác giáo dục, quản lý khi trẻ ở trường; phụ huynh cần chăm sóc, quản lý, giáo dục tốt khi trẻ ở gia đình; cần trang bị cho trẻ em kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích như tai nạn giao thông, đuối nước, điện giật, bỏng…

Việc tạo các điểm vui chơi cho trẻ em được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh quan tâm
(Ảnh: Sân chơi an toàn cho thiếu nhi tại xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn)

Đồng chí Hoàng Hải Hà - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đoàn viên, thanh thiếu nhi về kỹ năng sống, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, đuối nước và xâm hại trẻ em nói riêng. Từ tỉnh tới cơ sở sẽ tổ chức nhiều hội thi chuyên đề liên quan tới trẻ em hoặc các chuyên đề khác như bóng đá, bóng chuyền, “Tiếng hát Hoa Phượng Đỏ”... trong dịp hè nhằm thu hút trẻ em. Tỉnh đoàn sẽ chỉ đạo Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi và cấp huyện tổ chức các lớp năng khiếu hè cho trẻ em nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần rèn luyện năng khiếu, trang bị kỹ năng mềm cho trẻ em.

Để hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình cần được đẩy mạnh, tổ chức thường xuyên hơn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp với từng địa bàn. Các địa phương cần thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là khu vực hố nước, sông suối, các khu vực nước sâu nguy hiểm... thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa; vận động nguồn lực để xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em, đặc biệt thực hiện thành công mô hình “Mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một điểm vui chơi dành riêng cho trẻ em” nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2024./.

Thu Trang