PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/10/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận
Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt, triển khai và vận dụng sáng tạo quan điểm công tác dân vận của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Sự năng động, đổi mới, sáng tạo trong công tác dân vận của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang, của các cấp, các ngành, đã tạo được nguồn động lực để phát huy những tiềm năng, trí tuệ của Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng công tác dân vận và khẳng định: Đảng phải dựa vào dân để làm cách mạng. Đây là điều cốt yếu hằng ngày của Đảng, và công tác dân vận của Đảng được xác định là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Muốn cách mạng thành công thì Ðảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động Nhân dân tham gia và lãnh đạo Nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho Nhân dân.

Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột, trong đó Người nhấn mạnh: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng” để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng đề ra. Đảng nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng đã tổ chức cho đảng viên đi vào các giai tầng xã hội, tuyên truyền, vận động, tổ chức và tập hợp, huấn luyện quần chúng đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi hỏi dân sinh, dân chủ ở nhiều nơi. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên đã không quản ngại gian lao, thực hiện chủ trương "vô sản hóa", "ba cùng" với Nhân dân, tuyên truyền, giác ngộ và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo đường lối “Đem sức ta mà giải phóng cho ta".

Sau cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật ngày 15/10/1949. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn của Người về nguyên tắc, phương châm và phương pháp trong quan hệ, ứng xử với dân. Người khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tháng 10/1999, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” nhằm đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.

Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.


Tỉnh ủy tổ chức kỷ niệm, ôn lại truyền thông 90 năm ngày truyền thống công tác dân vận 

Cùng với chặng đường lịch sử vẻ vang 90 năm công tác dân vận của Đảng, từ những ngày đầu tái thành lập tỉnh (1997), Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời ban hành Quyết định về việc thành lập bộ máy tổ chức Ban Dân vận - Mặt trận và tổ chức thành Ban Dân vận Tỉnh ủy (1999).

Phát huy truyền thống công tác dân vận của Đảng, hơn 20 năm qua (1997 - 2020), dưới sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Dân vận Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp luôn khắc phục mọi khó khăn, tích cực, chủ động tham mưu giúp cấp ủy tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với công tác dân vận trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, không ngừng rèn luyện, học tập, tu dưỡng phấn đấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, thống nhất, tận tụy với công việc. Kết quả công tác tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ công tác dân vận ngày càng sát thực, hiệu quả và khá toàn diện trên các lĩnh vực, ở các đơn vị, địa phương, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong từng thời kỳ. 

Ban Dân vận các cấp tích cực, chủ động tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; tham mưu cho các cấp ủy Đảng ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của hệ thống chính trị; quy chế dân chủ ở cơ sở; phong trào dân vận khéo. Ban Dân vận các cấp thường xuyên phối hợp với chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang nắm tình hình Nhân dân, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; phát huy dân chủ ở cơ sở; thực hiện giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân… Qua đó, giúp các cấp ủy đánh giá một cách khách quan về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Theo đồng chí Ma Từ Đông Điền - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, công tác dân vận của tỉnh có được những kết quả trên là do Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt, triển khai và vận dụng sáng tạo quan điểm công tác dân vận của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Dân vận; sự năng động, đổi mới, sáng tạo trong công tác dân vận của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang, của các cấp, các ngành, mà trọng tâm là phong trào thi đua Dân vận khéo” đã tạo được nguồn động lực để phát huy những tiềm năng, trí tuệ của Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.


Nhân dân thôn Nà Bjoóc, xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) chung tay làm đường nông thôn

Đồng chí khẳng định: Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 14/12/2017 về “Nâng cao hiệu qủa phong trào “Dân vận khéo” trong giai đoạn hiện nay”, các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai đồng bộ các nội dung của Đề án và có nhiều cách làm sáng tạo. Phong trào đã phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phong trào đã gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và rèn luyện phong cách, kỹ năng công tác dân vận của cán bộ, đảng viên, của các tổ chức, cá nhân trong cả hệ thống chính trị.

Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống dân vận các cấp của tỉnh Bắc Kạn nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng phục vụ Nhân dân, tiếp tục sát cánh cùng các cấp, các ngành để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

Hương Dịu