PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số
Triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” (Đề án), những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Kạn đã có nhiều giải pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS ở hai cấp học này. Qua đó, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục một cách tốt nhất.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đề án được Bộ GD&ĐT triển khai đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em, học sinh tiểu học người DTTS thuộc 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đông đồng bào DTTS, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Đề án nhằm tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của đất nước.

Để triển khai Đề án, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ theo từng năm học. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tới các bậc phụ huynh học sinh về mục đích, ý nghĩa của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, tiểu học người DTTS; vận động, khuyến khích cha mẹ trẻ cộng tác với giáo viên và nhà trường; hướng dẫn các bậc phụ huynh cách dạy trẻ nghe và nói tiếng Việt song song với tiếng mẹ đẻ.

Từ năm học 2021 - 2022 đến nay, các trường mầm non, tiểu học toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 100 lượt truyền thông về nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ với nhiều hình thức khác nhau cho hơn 20.000 lượt cha mẹ trẻ. Công tác truyền thông đã tác động tích cực đến các bậc cha mẹ trẻ và cộng đồng, xã hội, tạo điều kiện cho trẻ em mầm non có nhiều cơ hội trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt, mạnh dạn tự tin hơn trong giao tiếp.

Trên thực tế, khó khăn về giao tiếp tiếng Việt chính là rào cản lớn đối với học sinh người DTTS khi đến trường. Vì vậy, triển khai Đề án, Sở GD&ĐT luôn sát sao chỉ đạo các địa phương linh hoạt, sáng tạo thiết kế môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, đồng thời tạo điều kiện để các em có thể nhận biết và phát âm tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi.

Các trường mầm non, tiểu học chủ động rà soát, tự đánh giá môi trường vật chất; lựa chọn, mua sắm tài liệu, thiết bị, đồ dùng đồ chơi thiết thực, phù hợp, tiết kiệm. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã tạo được nhà chòi hoặc trưng bày các sản phẩm, đồ dùng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tiêu biểu như Trường Mầm non Vi Hương, huyện Bạch Thông; Trường Mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn; Trường Mầm non Sơn Thành, huyện Na Rì; Trường Mầm non Thuần Mang, huyện Ngân Sơn… Hiện nay, một số cơ sở giáo dục mầm non đã bước đầu tận dụng các phòng học không sử dụng sau khi sáp nhập trường để tạo thư viện nhà trường, điển hình như các Trường Mầm non: Sỹ Bình, Vi Hương, Quân Bình, Dương Phong (huyện Bạch Thông); Yến Lạc (huyện Na Rì); Dương Quang, Xuất Hóa; Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn). Riêng Trường Mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn được xây phòng thư viện.

Để nâng cao nhận thức, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, Sở GD&ĐT đã cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia đầy đủ các hội nghị, hội thảo, tập huấn bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức. Bên cạnh đó, Sở tổ chức bồi dưỡng một số tiếng DTTS phổ biến tại địa phương cho giáo viên vùng DTTS; năm 2023, tổ chức bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Tày cho 41 cán bộ quản lý, giáo viên. Theo đó, 100% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đã được tập huấn về nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ; đa số giáo viên tích cực chủ động trong hoạt động tự học tập bồi dưỡng đặc biệt là tự học tiếng DTTS (Tày, Nùng, Dao, Mông...), từ đó giảm đáng kể tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và trẻ.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn tham gia trải nghiệm
tại chương trình Ngày Tết quê em 

Với sự chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học thực hiện nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Các trường tích cực sưu tầm các tác phẩm thơ, truyện, bài hát, ca dao, đồng dao của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương được trình bày song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng DTTS để bổ sung vào tư liệu giảng dạy. Cùng với đó, huy động cha mẹ trẻ sưu tầm tranh ảnh, truyện cổ tích các dân tộc thiểu số, ca dao, đồng dao, câu đố, trò chơi dân gian... để sử dụng trong các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ cũng như các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng các khu vực trải nghiệm thân thiện như vườn cổ tích, khu vườn trải nghiệm, chợ quê, góc địa phương... nhằm thu hút trẻ tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, giao tiếp, vui chơi bằng tiếng Việt.

Một số cơ sở giáo dục đã sáng tạo, thành lập một số mô hình điểm để giúp tăng cường tiếng Việt cho trẻ trong nhà trường, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Tiêu biểu như Trường Mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn với mô hình Câu lạc bộ “Giữ gìn văn hóa dân tộc địa phương”. Một số trường mầm non đã tổ chức được nhiều hoạt động cho trẻ khám phá, trải nghiệm ngoài khuôn viên trường học; tổ chức các hoạt động lễ hội, cuộc thi, hội thi, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, tiếp thu kiến thức nhanh hơn.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, đến hết học kỳ I, năm học 2023 - 2024, việc sử dụng tiếng Việt của trẻ DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ rõ nét. 100% trẻ em các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; 100% các huyện, thành phố triển khai nhân rộng mô hình tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ đạt hiệu quả; qua đó giúp các em hứng khởi, tự tin lĩnh hội tri thức qua từng bài giảng của giáo viên.

Từ kết quả đạt được, từ nay đến năm 2025, ngành GD&ĐT Bắc Kạn tiếp tục chủ động tham mưu, chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp với địa phương nhằm duy trì các mục tiêu Đề án. Quán triệt để cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học nâng cao nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân, ý nghĩa của việc triển khai, thực hiện Đề án trong cơ sở giáo dục mầm non. Huy động các nguồn lực để bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là Nhân dân và toàn xã hội để thực hiện tốt mục tiêu của Đề án./.

Ngọc Tú