PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tạo lập môi trường xanh, lối sống xanh
Những năm gần đây, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, biến đổi khí hậu được xem là một vấn đề cấp bách toàn cầu. Lối sống xanh được nhiều người quan tâm và dần trở thành xu thế. Tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, dần tạo lập môi trường và hình thành văn hóa, lối sống xanh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Người dân thu gom rác khu vực bến xuồng hồ Ba Bể, tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; không săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm; không khai thác, đánh bắt hủy diệt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; thả động vật con giống về với tự nhiên..., đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn chất thải, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải, góp phần hạn chế chất thải ra môi trường.

Việc đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường. Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã huy động các nguồn lực xã hội vào việc bảo vệ môi trường, bước đầu đem lại kết quả. Bắc Kạn đã có chính sách thu hút và hỗ trợ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào bảo vệ môi trường như hỗ trợ về đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường,…

Với những chính sách triển khai, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải, tái chế rác thải như Công ty Cổ phần Môi trường Bắc Kạn đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn tỉnh Bắc Kạn, qua đó góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, tận dụng, tái chế rác thải và giải quyết một lượng lao động nhàn rỗi cho địa phương.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa thực hiện trồng cây xanh, cây cảnh, hệ thống điện chiếu sáng tại các tuyến phố, khu dân cư và các ngõ xóm thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Điển hình như tại thành phố Bắc Kạn, bằng nguồn xã hội hóa, thành phố đã xây dựng được nhiều công trình công ích tại các khuôn viên khu dân cư, như: Khuôn viên khu dân cư tổ 5, phường Phùng Chí Kiên; vườn hoa ven Sông Cầu, tổ 2, phường Sông Cầu; vườn hoa tổ 11B, phường Sông Cầu… giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư của Nhà nước, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. Tại các huyện, các công trình đường hoa của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân được triển khai sâu rộng, góp phần tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã được các đơn vị, địa phương chung tay triển khai. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã sử dụng chai nước bằng thủy tinh thay thế hoàn toàn chai nước bằng nhựa. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể đã tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả như thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư “3 không”; phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; “Ngày thứ bảy tình nguyện vì môi trường”; “Ngày chủ nhật xanh”, “Nhà sạch - ngõ sạch”… Từ các phong trào này đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống.

Điểm đáng chú ý là những năm gần đây, Bắc Kạn luôn dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Tỉnh Bắc Kạn còn nằm trong 10 tỉnh có Chỉ số xanh (PGI) cao nhất cả nước, xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố. Đây là một lợi thế để Bắc Kạn thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Thực tế, thời gian qua, tỉnh đã dành sự quan tâm lớn đối với công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế. Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế một cách đơn thuần. Theo đó, để đạt được mục tiêu, tỉnh Bắc Kạn tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó chú trọng khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng “nâu” sang “xanh”, đóng góp trực tiếp và có ý nghĩa vào quá trình phát triển kinh tế bền vững của Bắc Kạn./.

Hương Lan