PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/02/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh
Hướng tới phát triển kinh tế số, tạo nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam chi nhánh tỉnh giới thiệu
các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 chi nhánh và 28 phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh và 7 phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, 7 phòng giao dịch Bưu điện, 6 chương trình, dự án tài chính vi mô, khoảng 200 điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính đang hoạt động, cung ứng dịch vụ tài chính tại 32 xã/phường/thị trấn, chiếm 29,3% tổng số xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt các dịch vụ thanh toán. Năm 2022, tổng số người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng là 59,1%; có 17 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có sự phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng cho thanh toán tiếp tục được mở rộng, 36 ATM (tăng 9% so với cuối năm 2021), 75 POS (không thay đổi so với cuối năm 2021). Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, phương thức thanh toán điện tử được thực hiện thông qua nhiều kênh thanh toán như internet, điện thoại di động, ATM, POS, với hơn 7,3 triệu giao dịch, giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng thực hiện miễn, giảm phí đối với hơn 5,5 triệu giao dịch, tổng giá trị thanh toán được miễn, giảm phí là khoảng 700 tỷ đồng. Năm 2022, có 26 nghìn thẻ thanh toán được mở mới, hiện nay, có hơn 145 nghìn thẻ thanh toán, hơn 175 nghìn tài khoản ngân hàng.

Các ngân hàng thương mại tích cực thông tin, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; tuyên truyền khách hàng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giao dịch điện tử; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng điện tử, quản trị an ninh mạng; thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Đáng chú ý, số hóa đơn thanh toán đã diễn ra tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 12/2022, tỉnh Bắc Kạn thí điểm triển khai mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại 12 chợ trên địa bàn. Các tiểu thương và khách hàng mua sắm tại đây đã thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ bằng chuyển khoản QR; thanh toán cho các tiểu thương khác trong chợ khi thực hiện các hoạt động mua bán với nhau.

Nhằm đẩy mạnh việc phát triển thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã tích cực phối hợp với các ngân hàng và tổ chức trung gian trên địa bàn tỉnh cung cấp các giải pháp thanh toán tiền điện cho khách hàng sử dụng điện. Các cơ sở giáo dục, y tế, bảo hiểm cũng thực hiện việc thu qua hệ thống ngân hàng.

Theo thống kê, trong năm 2022, các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện thanh toán các dịch vụ công, trong đó, thu thuế, phí, lệ phí đạt 401 tỷ đồng; tiền điện 121 tỷ đồng; tiền nước 8,9 tỷ đồng; tiền học phí 4,5 tỷ đồng; tiền viện phí 4,5 tỷ đồng; bảo hiểm 610,2 tỷ đồng; chi trả các chương trình an sinh xã hội 1 tỷ đồng với khoảng 290 nghìn lượt khách hàng. Tiếp tục thực hiện trả lương qua tài khoản cho 833 đơn vị, với hơn 45 nghìn cá nhân.

Các phương tiện, dịch vụ thanh toán của các chi nhánh ngân hàng thương mại được vận hành thông suốt, ổn định, khả năng xử lý các giao dịch thanh toán với tốc độ cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, an toàn và tính bảo mật cao.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã có nhiều chuyển biến tích cực tại Bắc Kạn, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả đề án của Chính phủ, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường kết nối liên thông giữa các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng dịch vụ; phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán… Phấn đấu đến cuối năm 2025, 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…/.

Hương Lan