PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/06/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xử phạt gần 3 tỷ đồng về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử phạt 2.924,6 triệu đồng đối với 441 tổ chức, cá nhân liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý chủ yếu về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng; vi phạm về đăng ký kinh doanh, xúc tiến thương mại; vi phạm về niêm yết giá, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ; vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp...

Cụ thể trong tổng số 428 vụ việc đã phát hiện, xử lý, có 12 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; 10 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa; 10 vụ vi phạm không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá; 5 vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; 14 vụ vi phạm trong lĩnh vực thuế; 250 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; 85 vụ án/94 bị can về các hành vi tàng trữ hàng cấm, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy…

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã chủ động và tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhờ đó, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không có các vụ việc vi phạm nghiêm trọng xảy ra.

Tuy nhiên, do tình hình thị trường diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như Facebook, Shopee, Lazada, Sendo… ngày càng phát triển, giao nhận hàng qua các dịch vụ chuyển phát nhanh, giao hàng tận nơi nên gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm. Trong khi đó, các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương còn thiếu nhân lực, vừa tham gia phòng chống dịch Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động, kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng, nhóm hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe Nhân dân theo diễn biến thị trường.

Trong đó, chú trọng kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là việc đóng cửa dừng bán hàng, bán nhỏ giọt, bán không đảm bảo số giờ theo đăng ký, không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tiếp tục nắm bắt tình hình thị trường đối với mặt hàng trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, đảm bảo bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến./.

Bích Huệ