PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bí xanh thơm và gạo Japonica “chào” thị trường Thủ đô
Những năm qua, Bắc Kạn chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá cao trên thị trường. Trong đó, bí xanh thơm (Ba Bể) và gạo Japonica (Chợ Đồn) là sản phẩm chủ đạo của tỉnh trong Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản Bắc Kạn tại Hà Nội, tháng 7/2020.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khôi phục và phát triển cây bí xanh bản địa

Bí xanh thơm Ba Bể tới kỳ thu hoạch

Bí xanh thơm là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể. Khoảng năm 2015, người dân các xã Địa Linh, Yến Dương khôi phục loại cây này với diện tích hạn chế. Khi thấy sức tiêu thụ tăng, bà con chủ động mở rộng diện tích. Đến nay, hằng năm toàn huyện trồng khoảng 40ha cây bí xanh thơm. Bí xanh thơm Ba Bể có hình dáng quả thon nhỏ, vỏ dày và cứng; toàn bộ thân, hoa, lá và quả có mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, loại bí này thích hợp trồng trên đất ruộng 1 vụ và đất soi bãi ven sông, suối. Thời gian gieo trồng bí khoảng tháng 2 (dương lịch) hằng năm. Người dân được hướng dẫn của ngành nông nghiệp, tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về sản xuất sạch, sử dụng nước sạch và phân hữu cơ trong quá trình trồng và chăm sóc bí. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đồng thời, bà con được khuyến cáo chuyển dần sang các chế phẩm sinh học an toàn và ghi chép nhật ký chăm sóc, thu hoạch.

Từ khi trồng đến khi thu hoạch bí khoảng 120 ngày, trọng lượng trung bình của bí khoảng 1,5 - 3kg/quả, chiều dài trung bình khoảng 20 - 30cm, đường kính khoảng 10 - 20cm, toàn bộ vỏ quả bí phủ phấn trắng, thịt quả đặc, có màu xanh phớt. Khi chế biến có độ dẻo và đặc biệt có mùi thơm đặc trưng mà không vùng trồng bí nào có được. Bí xanh thơm Ba Bể nếu bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát có thể để được từ 2 - 3 tháng. Năng suất đạt khoảng 30 - 40 tấn/ha. Với giá bán trung bình 8.000 đồng/kg (giá sỉ), người dân Ba Bể có thể thu về trên 200 triệu đồng/ha, vượt trội so với trồng lúa. Sau 5 năm phát triển, cây bí xanh thơm ở Ba Bể đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, khẳng định được giá trị kinh tế cao, là hướng đi quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Lúa Nhật bén rễ đất Chợ Đồn

Đầu năm 2018, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Công ty giống cây trồng Quốc Anh đưa 02 giống lúa Nhật Japonica QJ04 và J02 vào trồng thử nghiệm tại xã Phương Viên (Chợ Đồn) với quy mô hơn 9ha. Kết quả cho thấy giống lúa QJ4 có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Chỉ sau một năm, với những tiến triển tốt, HTX Hoàng Thành đã đứng ra đăng ký sản phẩm OCOP và đạt tiêu chuẩn sản phẩm 3 sao; là 1 trong 8 sản phẩm tiêu biểu của huyện Chợ Đồn. Từ đó, tiếng vang của gạo Japonica đã được thị trường người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh quan tâm, tiêu thụ.

Thu hoạch lúa Japonica trên cánh đồng xã Đồng Thắng (Chợ Đồn)

Năm 2020, huyện Chợ Đồn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa Japonica. Theo đó, 850 hộ dân tại 41 thôn của 3 xã Đồng Thắng, Yên Phong, Phương Viên đăng ký tham gia. Khi tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống lúa Japonica, 50% tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; được tập huấn, hướng dẫn chăm sóc kịp thời. Theo đồng chí Lục Đình Hoa- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Đồn: Vụ xuân năm 2020, toàn huyện trồng được 228ha lúa. Qua theo dõi cho thấy, cả 2 giống lúa Nhật Japonica QJ4 và J02 đều phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, năng suất ước đạt 60 tạ/ha.

Có thể thấy, 2 dòng sản phẩm bí xanh thơm và gạo Nhật Japonica đã khẳng định được thương hiệu, sản lượng tiêu thụ lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Căn cứ kết quả trên, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện bước tiếp theo là xúc tiến thương mại, quảng bá tại thị trường Hà Nội nhằm kết nối thị trường, tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, từng bước khẳng định thương hiệu hàng nông sản Bắc Kạn trên thị trường.

Trao đổi về nội dung này, đồng chí Đinh Lâm Sáng- Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong tháng 7/2020, tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại hàng nông sản với chủ đề “Tuần lễ giới thiệu Bí xanh thơm, Gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2020” tại Siêu thị VinMart Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và Siêu thị VinMart Times City (quận Hai Bà Trưng), Hà Nội. Đây là dịp rất thuận lợi để tỉnh Bắc Kạn giới thiệu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương, đặc biệt là 2 loại sản phẩm mới này. Cùng với đó thúc đẩy, gắn kết giao thương, tạo cơ hội cho thương nhân, doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ, trao đổi và tiêu thụ sản phẩm nông sản có chất lượng của tỉnh Bắc Kạn tại thành phố Hà Nội và các vùng lân cận. Đồng thời thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa Bắc Kạn trở thành một địa chỉ được đánh giá cao trong việc thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của nước ta./.

Theo baobackan.org.vn