PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/12/2016
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn: 20 năm xây dựng và trưởng thành
Trải qua chặng đường 20 năm từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trải qua chặng đường 20 năm từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những ngày đầu thành lập

Theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, tỉnh Bắc Kạn được tái thành lập trên cơ sở sáp nhập các huyện: Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rỳ, thị xã Bắc Kạn của tỉnh Bắc Thái và hai huyện: Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng. Bộ Chính trị Trung ương đã quyết định thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn gồm 35 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời gồm 11 đồng chí. Đồng chí Hà Văn Phụng được cử làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hà Sỹ Toàn và đồng chí Phan Thế Ruệ làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Ngay sau khi tái thành lập tỉnh, Bắc Kạn đứng trước sự khởi đầu đầy thách thức. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 6/1/1997, đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của địa phương, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là phải sớm kiện toàn bộ máy của tỉnh Bắc Kạn, nhất là ở hai cấp tỉnh và huyện, tổ chức nhận bàn giao hai huyện Ngân Sơn và Ba Bể thuộc tỉnh Cao Bằng về Bắc Kạn.

Ngay từ tháng 1/1997, toàn tỉnh có 5 ban Đảng và 18 sở, các đoàn thể nhân dân bắt đầu đi vào hoạt động. Đảng bộ tỉnh đã họp và quyết định nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cho các ngành và các huyện thị trong tỉnh để không gián đoạn trong chỉ đạo sản xuất phát triển kinh tế, quản lý xã hội. Vừa chỉ đạo sản xuất, chăm lo cho đời sống đồng bào các dân tộc, Đảng bộ tỉnh đã phối hợp với các ngành ở Trung ương tiếp tục kiện toàn bộ máy; bổ sung, kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ một số đảng bộ trực thuộc do điều động cán bộ. Cùng với 6 Đảng bộ huyện, thị xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập thêm 3 Đảng bộ trực thuộc là Đảng bộ Công an tỉnh, Đảng bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Đảng bộ các cơ quan tỉnh. Như vậy, tỉnh có tất cả 9 Đảng bộ trực thuộc với 302 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 239 cơ sở đảng thuộc huyện và 63 cơ sở đảng thuộc khối cơ quan tỉnh; dưới các Đảng bộ cơ sở được tổ chức thành 790 Chi bộ trực thuộc.

Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa X, bầu cử bổ sung đại biểu HĐND tỉnh (tháng 7/1997); kiện toàn các thành viên UBND tỉnh; bố trí cán bộ chủ chốt của các ngành, các địa phương. Việc kiện toàn bộ máy các tổ chức diễn ra nhanh, đảm bảo tinh gọn, có hiệu lực, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, chính quyền các cấp được kiện toàn, củng cố, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có tiến bộ. Các địa phương trong tỉnh đều triển khai quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Nhân dân các dân tộc tin tưởng và tích cực hơn trong việc xây dựng, củng cố chính quyền.

Ngày 13/9/1997, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ VII được tiến hành với 248 đại biểu tới dự. Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên trong các tỉnh mới thành lập tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh. Thành công của Đại hội thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đại hội xác định rõ mục tiêu của giai đoạn 1997 - 2000 là chăm lo công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về tổ chức và cán bộ, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.

 Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời (01/01/1997) - Ảnh tư liệu

Sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, xây dựng chương trình hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Chỉ đạo các cấp ủy coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất về tư tưởng trong toàn Đảng bộ. Các cấp ủy Đảng đều chú ý đến việc đào tạo lý luận cho các đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngay trong năm 1997, tỉnh đã tổ chức được 47 lớp bồi dưỡng đối tượng đảng với 1.779 quần chúng ưu tú tham gia học tập; năm 1998, tỉnh mở 81 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 3.191 học viên. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở huyện đều đi vào hoạt động có nền nếp.

Công tác phát triển đảng viên được chú trọng. Các cơ sở đảng luôn cố gắng phát triển đảng viên ở mọi đơn vị công tác, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Do đó, ngay từ năm 1997, cả 7 dân tộc anh em của tỉnh đều có đảng viên. Giai đoạn 1997 - 2000, toàn tỉnh đã kết nạp được 3.851 đảng viên mới. Riêng năm 1999, quán triệt Chỉ thị 15-CT/TU ngày 14/1/1999 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phát triển đảng viên, tỉnh đã kết nạp được 1.086 đảng viên mới, nâng số đảng viên trong toàn tỉnh lên 12.886 đồng chí, chiếm 4,68% dân số toàn tỉnh. Kết thúc năm 1999, toàn tỉnh có thêm 41 thôn bản, và 6 trường học có đảng viên, 231/322 cơ sở kết nạp được đảng viên mới; qua phân loại có 82% cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và 90% đảng viên loại I. Đến năm 2000, toàn tỉnh có 325 Đảng bộ cơ sở, 1.026 Chi bộ, 13.618 đảng viên, bằng 4,85% dân số. Sau 4 năm, toàn tỉnh kết nạp được 4.000 đảng viên.

Về tổ chức cán bộ, ngay trong năm đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng tập trung kiện toàn bộ máy các cấp, tiếp nhận, tuyển dụng 1.846 cán bộ nhân viên; đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển gần 300 cán bộ lãnh đạo các cấp.

Từ khi được thành lập, các cấp ủy đảng luôn coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nội dung sinh hoạt chi bộ, tăng cường tự phê bình và phê bình, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế của địa phương, tích cực triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, địa phương đưa vào cuộc sống. Việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã làm chuyển biến chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Năm 1999, việc triển khai Nghị quyết cơ bản được thực hiện xong một bước, đúng quy trình, tiến độ.

Ngày càng phát triển và vững mạnh

Từ năm 2001 đến nay, tổ chức bộ máy ở các cấp, các ngành thường xuyên được củng cố, kiện toàn đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tỉnh đã cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, đề ra các chủ trương để tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ cũng như quản lý đội ngũ cán bộ. Cấp ủy các cấp luôn tuân thủ đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời đề cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu tổ chức; địa phương, đơn vị mở rộng, phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.

Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để thông báo kết quả Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII)

Công tác phát triển đảng viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy thường xuyên quan tâm. Tổng số đảng viên của đảng bộ hiện có gần 30.000 đồng chí. Việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng được tích cực chỉ đạo, trong đó tập trung xây dựng, thực hiện tốt các tiêu chí về tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Qua đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng hằng năm cho thấy, có trên 62% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và hơn 86% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp ủy đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Trung ương bằng việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao bản lĩnh chính trị gắn với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các đồng chí cấp ủy viên tăng cường đi công tác cơ sở để tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh, tạo được những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tổ chức xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp. Việc mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng được các cấp ủy chú trọng. Phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được cải tiến theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân, tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được củng cố, tăng cường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động đúng mục tiêu, phương hướng; phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động, thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền.

Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng luôn được cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quy định theo Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; tập trung chỉ đạo thực hiện việc xem xét, giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong quần chúng, cán bộ, đảng viên; tiến hành xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp ngày càng được nâng lên, góp phần đấu tranh, củng cố xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu trong tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, bộ máy chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xây dựng và củng cố; hoạt động đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội địa phương và ngày càng có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Kạn ngày càng giàu đẹp.

Năm 1997, khi mới tái thành lập tỉnh, Bắc Kạn là một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, kinh tế chưa phát triển mang đậm chất thuần nông với cơ cấu nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trong cao, bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 300kg/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém khi ½ số xã chưa có điện và ¼ số xã chưa có bệnh xá, ¼ số xã giao thông trắc trở, hơn 70% phòng học tranh tre; trình độ dân trí chưa cao, một số tập tục sống và canh tác lạc hậu; còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Đời sống nhân dân các dân tộc, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, mặc dù điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã chủ động vượt qua mọi thử thách, cùng cả nước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm qua đạt 11,5%/năm. Tổng sản phẩm GRDP của tỉnh năm 2016 ước tăng gấp 23,5 lần so với năm 1997. GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 26,5 triệu đồng/người, tăng gấp 21,2 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp đã giảm từ 62,3% năm 1997 xuống ước còn 34,1% năm 2016; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 8,6% năm 1997 lên ước đạt 13,7% năm 2016; khu vực dịch vụ tăng mạnh từ 29,1% năm 1997 lên ước đạt 49,9% năm 2016. Tỷ lệ che phủ rừng đạt cao nhất cả nước với 70,8%.

Bộ mặt của tỉnh không ngừng đổi thay. Trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Bắc Kạn đã được công nhận là thành phố (đô thị loại 3) từ năm 2015. Đến nay,100% xã đã có đường giao thông đến trung tâm; trên 80% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; dự kiến hết năm 2016 toàn tỉnh có 79 trường học đạt chuẩn quốc gia... Công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, cả tỉnh còn 11,6% hộ nghèo. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường và giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh. Mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc ngày càng được tăng cường, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương. Toàn tỉnh đã có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỉnh đã có thành phố Bắc Kạn được thành lập năm 2015

Với những nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đã được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2016); nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba...

Chặng đường phía trước đang mở ra cho tỉnh nhiều thời cơ thuận lợi, tuy nhiên cũng không ít khó khăn, thách thức. Phát huy những thành tựu 20 năm tái thành lập tỉnh, để tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Kạn, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra phương hướng “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, khai thác hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, đưa Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực”. Tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra./.

Hương Dịu