PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/12/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Giữ gìn văn hóa dân tộc trong trường học
Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống như mặc trang phục dân tộc, tổ chức truyền dạy hát sli, hát lượn, hát then, dạy đánh đàn tính cho học sinh. Qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn mặc trang phục truyền thống đến lớp

Đã thành nền nếp, 7 năm qua, cứ vào thứ Ba hằng tuần, các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn (Bạch Thông) lại khoác trên mình những bộ quần áo truyền thống với niềm tự hào, trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.

Buổi hoạt động giữa giờ, 125 em học sinh (khối tiểu học 70 học sinh, khối trung học cơ sở 55 học sinh) theo hiệu lệnh trống xếp hàng ngay ngắn tập các động tác thể dục rèn luyện sức khỏe. Nếu không có biển tên ngoài cổng, dễ nhầm đây là ngôi trường dân tộc nội trú vì tất cả học sinh đều mặc trang phục dân tộc. Từ các em học sinh lớp 1 đến các anh chị lớp 9 đều cảm thấy tự tin và tự hào khi mặc trên mình bộ trang phục dân tộc.

Em Hoàng Thị Thanh Trúc, học sinh lớp 7, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn chia sẻ, những buổi đến trường được khoác trên mình bộ trang phục của dân tộc Nùng em luôn thấy thoải mái, tự hào vì nét đẹp truyền thống.

Quy định học sinh mặc áo trang phục truyền thống dân tộc nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và các bậc phụ huynh tại Cao Sơn. Năm học 2022 - 2023, chị Hoàng Thị Thanh có 2 con cùng bước vào lớp 1. Chấp hành quy định của nhà trường, trước khi năm học mới bắt đầu, chị Thanh đã chuẩn bị trước cho các con bộ trang phục của dân tộc Dao đỏ. Dù các cháu còn nhỏ nhưng khi được bố mẹ giải thích ý nghĩa của bộ trang phục Dao đỏ, các bé con chị Thanh luôn thấy hứng khởi mỗi khi đến trường vào ngày thứ Ba hằng tuần.

Người khởi xướng cho việc thực hiện quy định học sinh mặc trang phục truyền thống chính là thầy Hiệu trưởng Chu Quốc Đạt. Năm 2014, khi về nhận công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn, thầy Chu Quốc Đạt trăn trở thấy truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào Nùng, Dao tại địa phương bị mai một, biểu hiện rõ nét là đa số học sinh đến trường không còn mặc trang phục dân tộc. Ngay năm học sau, thầy Đạt đề xuất quy định học sinh đến trường mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào một ngày trong tuần.

"Lúc đầu mới thực hiện quy định, một số học sinh có đôi chút bỡ ngỡ và quên không mặc áo trang phục dân tộc, nhưng chỉ hết kỳ I, hoạt động này đã trở thành nền nếp và là nét riêng của trường. Không đơn giản chỉ là một quy định, qua đây chúng tôi muốn giáo dục cho các em học sinh về niềm tự tôn, tự hào dân tộc, về ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng mừng là từ khi có quy định trên đã giúp các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến việc giữ gìn, giáo dục văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho con em mình. Thời gian tới, nhà trường có ý định thành lập câu lạc bộ hát then, dạy võ cổ truyền cho học sinh nhằm giúp các em phát triển toàn diện, đồng thời cũng khơi gợi cho các em tình yêu, ý thức bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc” - Thầy giáo Chu Quốc Đạt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn cho biết.

Nhờ được truyền dạy trong trường, học sinh huyện Bạch Thông tự tin thể hiện các làn điệu then tính trong
Ngày hội cam quýt gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch địa phương

Thời gian qua, công tác giáo dục học sinh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đang dần được các nhà trường trên địa bàn quan tâm thực hiện, đặc biệt đối với các trường có học sinh nội trú, bán trú. Việc bảo tồn được thực hiện thông qua dạy học lồng ghép với các môn học chính khóa hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm như: Thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc; hoạt động tìm hiểu, tham quan, chăm sóc các di tích lịch sử ở địa phương; thành lập các câu lạc bộ để sưu tầm, tập luyện, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu. Điển hình như Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở các Trường: Phổ thông dân tộc nội trú Pác Nặm, Phổ thông dân tộc nội trú Chợ Đồn, Phổ thông dân tộc nội trú Ba Bể; Tiểu học và Trung học cơ sở Kim Hỷ, huyện Na Rì...

Đơn cử như huyện Na Rì, để bảo tồn nghệ thuật hát then đàn tính, huyện đã chủ động đưa môn nghệ thuật này vào truyền dạy trong trường học. Để thực hiện tốt công tác truyền dạy, huyện Na Rì đã mời các nghệ nhân hát Then - đàn Tính trực tiếp lên lớp giảng dạy cho các học viên, đồng thời đầu tư hỗ trợ kinh phí tổ chức lớp học để đảm bảo hiệu quả công tác bảo tồn. Hiện nay, lớp học có hơn 40 em học sinh Trường Trung học cơ sở Yến Lạc tham gia.

Bà Phan Thị Xuyến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát then, đàn Tính thị trấn Yến Lạc cho biết: “Từ khi còn làm giáo viên và làm tổng phụ trách đội, tôi đã rất muốn đưa hát Then - đàn Tính vào trường học. Việc truyền dạy hát Then trong trường học đối với tôi là việc làm vô cùng ý nghĩa bởi các cháu sau này mới là người tiếp nối, phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc".

Em Nông Thanh Lam - học sinh Trường Trung học cơ sở Yến Lạc chia sẻ, em rất thích môi trường học hát Then đàn Tính, bởi ở đây Nghệ nhân thì tận tình chỉ dạy còn các bạn thì chăm chú tiếp thu.

Việc đưa văn hóa các dân tộc của tỉnh vào giảng dạy trong trường học đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi các mô hình bảo tồn này trong các nhà trường để các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một./.

Thu Trang