PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/12/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khởi nghiệp từ trồng măng tây
Từng lăn lộn, mưu sinh bằng nhiều nghề khắp mọi nơi, ở độ tuổi ngoài tứ tuần, anh Hoàng Thanh Bình, thôn Bản Lạnh, xã Tân Tú (Bạch Thông) quyết định về quê lập nghiệp bằng cây măng tây.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nói về cơ duyên đến với cây măng tây, anh Hoàng Thanh Bình chia sẻ, hơn 20 năm trước anh cũng từng là sinh viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Đang học năm thứ hai, anh bỏ học giữa chừng theo chúng bạn tìm “tương lai” ở những bãi vàng tại Ngân Sơn, Na Rì. Khi cơn “khát vàng” qua đi, biết không thể quay lại con đường học tập, anh Bình lăn lộn nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống. Nhưng mãi rồi cũng đến lúc chùn chân mỏi gối, năm 2020, anh quyết định trở về quê lập nghiệp. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm giàu trên đồng đất quê hương bằng cách nào, bằng cây trồng, vật nuôi gì. Trong một lần tình cờ xem truyền hình thấy giới thiệu về giá trị kinh tế từ cây măng tây, anh Bình mừng thầm vì đã tìm được câu trả lời.

Bàn bạc kỹ với vợ, anh Bình đi khắp các nhà vườn ở tỉnh bạn để học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng tây. Có đôi chút kinh nghiệm, anh Bình quyết định trồng thử nghiệm 200 m2 tại khu ruộng gần nhà. Ban đầu do còn thiếu kinh nghiệm trong phòng trị các loại bệnh nên phần lớn cây giống đều chết hoặc kém phát triển. Sau đó, anh mày mò vừa tham khảo các tài liệu qua sách, báo, mạng internet, vừa trực tiếp đến thăm quan và nhờ các chủ vườn lớn tư vấn thêm kỹ năng chăm sóc cây để ứng dụng vào mô hình của gia đình mình.

Cây măng tây bước đầu mang lại thu nhập khá cho gia đình anh Hoàng Thanh Bình, thôn Bản Lạnh, xã Tân Tú

Khó khăn, thách thức càng nhiều thì quyết tâm càng lớn, vợ chồng anh Bình dốc vốn liếng mua cây giống và phân bón mở rộng diện tích trồng măng tây lên 3.000 m2. Theo chia sẻ của anh Bình, để tìm được thành công từ cây măng tây phải chú ý đến hai yếu tố là giống và phòng, trừ sâu bệnh. Trên thị trường có nhiều loại giống măng tây nhưng giống nhập từ Mỹ có năng suất, chất lượng tốt hơn. Cây măng tây mắc nhiều loại sâu, bệnh, trong đó bệnh thối nhũn mầm, củ rễ là nguy hiểm hơn cả cần phải phòng, trừ tốt. Trồng măng tây công phu là thế nhưng bù lại giá trị kinh tế mang lại không nhỏ. Măng tây trồng một lần có thu thể hoạch trong 8 - 12 năm, miễn là chăm bón phân đều mỗi tháng một lần thì chất lượng cây vẫn bảo đảm. Ngoài bán thân cây, phần củ măng tây có thể chế biến thành trà với nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Từ tháng đầu năm đến nay, gia đình anh Bình đã xuất bán được 1 tấn măng tươi và 1 tạ trà măng tây. Với giá bán 70.000 đồng/kg măng tây tươi, cùng với nguồn thu từ trà măng tây, dự kiến năm 2022, gia đình anh Bình thu được khoảng 130 - 150 triệu đồng.

Từ những thành công bước đầu với cây măng tây, sẵn có tư tưởng muốn làm ăn lớn, anh Bình đã vận động 8 hộ dân khác thành lập Hợp tác xã (HTX) măng tây Thanh Bình hoạt động từ tháng 3/2021, với mũi nhọn là trồng măng tây và chăn nuôi trâu, bò. “Muốn sản xuất có quy mô thì phải tập hợp được những hộ dân có cùng sở thích, thêm người là thêm nhân lực, thêm nguồn vốn và thêm quyết tâm để hướng đến thành công. Việc thành lập HTX giúp ước muốn làm giàu từ nông nghiệp của tôi và các thành viên khác dễ thực hiện hơn”, anh Bình bày tỏ.

Chia sẻ về hướng đi của HTX trong thời gian tới, anh Hoàng Thanh Bình cho biết: “Nhu cầu thị trường đối với cây măng tây là lớn nên không lo chuyện đầu ra của loại cây trồng này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đăng ký dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm QR code và phấn đấu xây dựng sản phẩm OCOP từ cây măng tây. Vì nếu được chứng nhận sản phẩm đạt OCOP và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì sản phẩm của HTX sẽ dễ dàng xâm nhập vào các cửa hàng, siêu thị lớn, giá bán cũng cao hơn. Để làm được điều này, bản thân sẽ vận động, chia sẻ kinh nghiệm cho thành viên HTX và bà con địa phương mở rộng diện tích trồng măng tây, nâng cao chất lượng trà măng tây. Trong quá trình này, HTX măng tây Thanh Bình rất cần sự quan tâm, hỗ trợ bằng chính sách, nguồn lực của cấp trên”.

Có thể nói, mô hình này nếu được nhân rộng sẽ là hướng đi đúng đắn, giúp cho nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Thu Trang