PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khắc phục ngay những điểm yếu, phát huy điểm mạnh để cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI trong năm 2024 và những năm tiếp theo
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình yêu cầu các cơ quan chuyên môn, các địa phương phải khắc phục ngay những điểm yếu, phát huy điểm mạnh để cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 và những năm tới, tạo sự thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của tỉnh, đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng quy mô kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục thực hiện khảo sát và đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên 10 chỉ số thành phần gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Nhằm khuyến khích các địa phương tập trung nỗ lực bước vào nhóm dẫn đầu PCI, năm 2023, VCCI có sự thay đổi trong cách đánh giá kết quả từ toàn bộ cả nước sang xếp hạng top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023.

Theo kết quả công bố của VCCI, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh Bắc Kạn đạt 63,39 điểm (không nằm trong top 30 tỉnh, thành phố xếp hạng).

Kết quả đánh giá cho thấy, trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh Bắc Kạn có 6 chỉ số thành phần tăng điểm bao gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Qua đánh giá có 4 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: Chi phí thời gian; chi phí thời gian không chính thức; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường năm 2023 đạt 6,64 điểm, tăng 0,28 điểm so với năm 2022. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2023, các doanh nghiệp tham gia thị trường thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp, chỉ số gia nhập thị trường năm 2023 từ đó đã được cải thiện hơn. Các chỉ tiêu thành phần được cải thiện như: Hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ tại Bộ phận Một cửa đạt 79% (tăng 2%); cán bộ tại Bộ phận Một cửa am hiểu về chuyên môn đạt 52% (tăng 4%); hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là rõ ràng, đầy đủ đạt 37% (tăng 7%); quy trình giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện đúng như văn bản quy định đạt 37% (tăng 8%); tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký doanh nghiệp chiếm 3% (giảm 1%). Các chỉ tiêu khác cơ bản được duy trì quanh mức trung vị của cả nước.

Chỉ số tiếp cận đất đai năm 2023 của tỉnh đạt 6,28 điểm, tăng 0,03 điểm so với 2022. Năm 2023, trở ngại trong việc tiếp cận đất đai được cải thiện như: Số ngày trung vị chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm đáng kể từ 30 ngày xuống còn 15 ngày; tỷ lệ doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh đạt 57% (tăng 38%); tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm giảm đáng kể so với năm 2022 (cả 2 chỉ tiêu đều giảm trên 30%). Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu thành phần doanh nghiệp đánh giá chưa tốt như: Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm; tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất nhiều thời gian. Đáng lưu ý là gần 88% doanh nghiệp cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Chỉ số tính minh bạch năm 2023 của tỉnh đạt 6,7 điểm, tăng 0,15 điểm so với 2022. Một số chỉ tiêu thành phần được doanh nghiệp đánh giá cao như: Thông tin trên website của tỉnh về các ưu đãi/khuyến khích/hỗ trợ đầu tư của tỉnh là hữu ích đạt 61%; thông tin trên website của tỉnh về các quy định về thủ tục hành chính là hữu ích đạt 81%; việc tiếp cận tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý cơ bản dễ dàng, thuận lợi. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số chỉ tiêu thành phần bị giảm điểm hoặc cải thiện không đáng kể.

Chỉ số chi phí thời gian năm 2023 của tỉnh đạt 7,08 điểm, giảm 0,89 điểm so với 2022. Năm 2023, một số chỉ tiêu thành phần chưa được doanh nghiệp đánh giá cao như: Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện TTHC trực tuyến đạt 67% (giảm 16%); tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm thời gian đạt 64% (giảm 19%); số giờ thanh, kiểm tra thuế trung vị mỗi cuộc tăng từ 24 giờ lên 56 giờ. Các chỉ tiêu khác ở mức duy trì và không có sự cải thiện rõ rệt.

Chỉ số chi phí không chính thức năm 2023 đạt 6,86 điểm, giảm 0,56 điểm so với năm 2022. Qua khảo sát, một số chỉ tiêu thành phần có sự cải thiện rõ rệt như: Tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả không chính thức năm 2023 là 30%, thấp hơn đáng kể so với mức 45% năm 2022; tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra môi trường năm 2023 có chiều hướng giảm mạnh từ 67% xuống còn 13%; tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra môi trường là 9% (giảm 49%); tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra xây dựng giảm đến 61% (từ 70% năm 2022 giảm còn 9% vào năm 2023). Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp có tranh chấp song không lựa chọn Tòa án để giải quyết tăng cao đột biến từ 6% lên 68%, cao hơn mức trung vị của cả nước 15%, dẫn đến tổng điểm cho chỉ tiêu này giảm nhẹ.

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng năm 2023 đạt 6,95 điểm, tăng 0,72 điểm so với năm 2022. Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh có sự bình đẳng hơn trong năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn hơn là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương ở mức 14%, giảm đáng kể so với mức 44% ở năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh thủ tục hành chính nhanh chóng hơn là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn chiếm 19% (giảm 25%). Gần 14% doanh nghiệp phản ánh “Dễ dàng có được các hợp đồng từ cơ quan nhà nước là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn” giảm 16% so với năm 2022. Các chỉ tiêu khác cũng được đánh giá là chính quyền địa phương có sự quan tâm hơn trong việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chỉ số tính năng động năm 2023 đạt 6,05 điểm, giảm 1,32 điểm so với năm 2022. Điểm trung bình của chỉ số này có dấu hiệu giảm sút so với 2 năm trước (năm 2021 đạt 6,94 điểm, năm 2022 đạt 7,37 điểm). Tỷ lệ doanh nghiệp quan sát thấy thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực đạt 47%, giảm từ 66% của năm 2022. Có 69% doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh (giảm 11%). Đáng lưu ý, 53% doanh nghiệp đánh giá "Các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh", tăng 20% từ con số 30% của năm 2022. Chỉ 22% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán” giảm đáng kể từ 49% ở năm 2022.

Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 đạt 4,79 điểm, tăng 0,2 điểm so với năm 2022. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp có sự chuyển biến tuy nhiên không rõ rệt. Bên cạnh các chỉ số thành phần được doanh nghiệp đánh giá tốt như thủ tục tiếp cận các chương trình đào tạo nghề cho người lao động là dễ thực hiện (đạt 87%); chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các FTA của các cơ quan nhà nước địa phương đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đạt 64% (tăng 40%); vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được cơ quan nhà nước địa phương giải đáp hiệu quả đạt 50% (tăng 5%) thì còn một số chỉ tiêu thành phần doanh nghiệp đánh giá chưa tốt như thủ tục tiếp cận hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp là dễ thực hiện giảm từ 75% xuống 63%; 64% doanh nghiệp đánh giá thủ tục tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp luật là dễ thực hiện (giảm 17%); thủ tục tiếp cận các chương trình đào tạo, tập huấn về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp là dễ thực hiện đạt 60%, thấp hơn năm 2022 là 14%.

Chỉ số đào tạo lao động năm 2023 đạt 5,47 điểm, tăng 0,09 điểm so với năm 2022. Đa số các chỉ tiêu thành phần được duy trì hoặc không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2022. Duy nhất chỉ tiêu “Giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” được các doanh nghiệp đánh giá tốt hơn hẳn so với năm 2022 (từ 30% lên 41% vào năm 2023).

Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự năm 2023 đạt 7,9, giảm 0,12 điểm so với năm 2022. Có 11/18 chỉ tiêu thành phần được doanh nghiệp đánh giá tương đối tốt (mức độ hài lòng trên 75%); 100% doanh nghiệp đánh giá cơ quan công an sở tại xử lý vụ việc của doanh nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn 6% doanh nghiệp phản ánh bị trộm cắp hoặc đột nhập và 1% doanh nghiệp phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, tổ chức xã hội đen để yên ổn làm ăn.


Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường ổn định, tạo điều kiện thuận lợi
cho các đơn vị hoạt động kinh doanh hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh
(Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu tại Hội nghị công bố Chỉ số DDCI và gặp mặt các doanh nghiệp,
hợp tác xã, nhà đầu tư ngày 12/6/2024)

Theo đánh giá, năm 2023, các sở, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, công khai minh bạch các thông tin, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cho doanh nghiệp, người dân có nhu cầu tìm kiếm; chủ động gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Qua đó, từng bước xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Chất lượng quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở từng bước được nâng cao.

Mặc dù tỉnh đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng kết quả PCI năm 2023 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh chưa có sự cải thiện rõ nét; vẫn còn những điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ đã được phân tích, đánh giá trên từng chỉ tiêu thành phần và chỉ tiêu cốt lõi. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo, triển khai, quan tâm nghiên cứu giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, vì thế, tính năng động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành chưa được phát huy hết khả năng, việc cải thiện điểm số thành phần chưa toàn diện, trong khi đòi hỏi của doanh nghiệp, Nhân dân về chất lượng điều hành của tỉnh ngày càng cao.

Trên cơ sở những đánh giá này, UBND tỉnh xác định phải khắc phục ngay những điểm yếu, phát huy điểm mạnh để cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo, tạo sự thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của tỉnh, đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân, qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng quy mô kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, tại Kế hoạch nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Bắc Kạn năm 2024, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, Trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và các địa phương trong việc nâng cao điểm số PCI của tỉnh.

Quan điểm nhất quán của tỉnh là nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dụng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao nhận thức và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, gắn với xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương liên quan trực tiếp đến Chỉ số PCI.

Tiếp tục nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện nhiệm vụ nâng cao Chỉ số PCI, thường xuyên phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực, quyết tâm, chung tay nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện 10 Chỉ số PCI, coi việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng trong thực thi công vụ. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ được giao, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh năng động, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, nâng cao tính minh bạch thông tin.

Quyết liệt xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải phóng mặt bằng… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp các cấp từ tỉnh đến cơ sở để kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục nâng cao và phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm kết nối, chia sẻ và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đại diện và tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình, làm cầu nối, vận động chính sách duy trì đối thoại với UBND tỉnh và quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh về chính sách có tác động đến hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương.

Đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông nhằm nâng cao công tác tuyên truyền đến các sở, ban, ngành và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để hiểu sâu hơn về Chỉ số PCI và các hoạt động triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trên toàn tỉnh../.

BH