PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/12/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển hệ thống thư viện, nâng cao Chỉ số phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
Kiện toàn, củng cố mạng lưới thư viện, đổi mới hoạt động thư viện là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” ban hành tại Quyết định số 1408/QĐ-UBND ngày 5/6/2021 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc củng cố, phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh hiện nay còn không ít khó khăn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo xây dựng, phát triển mạng lưới thư viện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến xây dựng kỹ năng thông tin cho người sử dụng gắn với chuyển đổi số.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng với nguồn tài liệu khá phong phú, đa dạng, nhằm thúc đẩy hệ thống thư viện cơ sở trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng; quan tâm đổi mới hoạt động của thư viện phục vụ hiệu quả nhu cầu tìm hiểu thông tin, học tập của người dân.

Mô hình Xe thư viện lưu động của tỉnh Bắc Kạn giúp bạn đọc tiếp cận với tri thức thuận tiện, hiệu quả

Công tác luân chuyển tài liệu và phục vụ lưu động được chú trọng thực hiện. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hoạt động thư viện lưu động tại 80 trường học trên địa bàn tỉnh; phục vụ 27.028 lượt bạn đọc/82.310 lượt sách và 1.233 lượt truy cập internet; luân chuyển tài liệu đến 26/20 điểm (đạt 130% so với kế hoạch) với 3.300 cuốn sách, tổng giá trị tài liệu luân chuyển 300 triệu đồng/năm.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến xây dựng kỹ năng thông tin cho người sử dụng, đặc biệt gắn với chuyển đổi số, hoạt động phòng máy tính của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” thực hiện tại tỉnh được duy trì hoạt động hiệu quả, phục vụ 50.940 lượt độc giả truy cập internet, tạo điều kiện để người dân tiếp cận công nghệ thông tin, sử dụng thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện. Trong năm 2021, 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện số hóa 15.343 trang tài liệu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn, 31 bài thi đạt giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và sử dụng phần mềm Dspace để tổ chức, lưu trữ và phổ biến trên internet, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong việc tìm kiếm, khai thác sử dụng, từng bước hình thành thói quen và kỹ năng sử dụng tài nguyên cho người dùng. Ngoài ra còn cung cấp thêm cho người đọc một số dịch vụ như phục vụ bạn đọc trực tuyến, cung cấp danh mục sách và tra cứu sách theo yêu cầu của bạn đọc trên các trang mạng xã hội.

Sở GD&ĐT tổ chức Hội thi nhân viên thư viện giỏi cấp tiểu học năm học 2021 - 2022

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các địa phương tích cực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng trong hệ thống thư viện trường học theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, thân thiện, từng bước hiện đại, phù hợp với cấp học và đối tượng phục vụ; xây dựng môi trường đọc, không gian đọc thân thiện, an toàn; sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn kinh phí cho công tác thư viện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thư viện trường học như trang bị và sử dụng hiệu quả các thiết bị nghe, nhìn; sắp xếp, bố trí máy tính có nối mạng Internet tại thư viện phục vụ giáo viên, học sinh; triển khai việc sử dụng phần mềm quản lý thư viện tích hợp với phần mềm quản lý trường học; xây dựng, quản lý và khai thác hiệu quả kho học liệu điện tử. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác thư viện trường học. 

Kế hoạch triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh đề ra các mục tiêu: Phấn đấu 20% - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15% - 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã; phấn đấu 50% - 60% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; phấn đấu đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 3 bản/người dân và đạt 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 2 cuốn sách/năm; phấn đấu số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 200.000 - 250.000 lượt/năm; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật.

Theo báo cáo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 thư viện gồm 1 thư viện tỉnh, 7 thư viện huyện, 10 thư viện xã, 17 phòng đọc cơ sở, chưa có thư viện tư nhân phục vụ đọc cộng đồng.

Về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, toàn tỉnh mới có 39% lượt người sử dụng được thư viện phục vụ, tuy nhiên chủ yếu ở khu vực thành phố, trung tâm các huyện.

Về tăng cường hoạt động thư viện, xuất bản, toàn tỉnh bình quân mới đạt 1,9 bản/người dân; bình quân người sử dụng thư viện được phục vụ đối với tất cả các dịch vụ của thư viện đạt hơn 150.000 lượt/năm; toàn tỉnh mới có trên 20% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn; hệ thống thư viện công cộng các cấp chưa có vốn tài liệu phục vụ cho người khuyết tật là người khiếm thị.

Trong 2 năm 2021 - 2022, UBND tỉnh đã bố trí gần 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh bổ sung tài nguyên thông tin cho thư viện; sưu tầm, số hóa tài liệu các dân tộc thiểu số; thực hiện hoạt động thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin về cơ sở; tham gia liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách toàn quốc... Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư bố trí cơ sở vật chất cho hệ thống thư viện còn gặp nhiều khó khăn. Thư viện tỉnh hiện chưa có trụ sở riêng; cơ sở vật chất của hệ thống thư viện công lập trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chật hẹp, vốn tài liệu còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Kinh phí đầu tư bổ sung sách, báo hằng năm tại các thư viện cơ sở còn hạn chế và gần như không có. Đội ngũ cán bộ công tác thư viện cơ sở còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn về thư viện, phần lớn làm kiêm nhiệm. Vai trò của thư viện trong việc tổ chức các hoạt động chưa được đánh giá đúng mức, chưa tương xứng với hiệu quả các thư viện mang lại cho cộng đồng, xã hội, phần nào giảm sức sáng tạo của các thư viện.

Ngày 1/11/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Trong đó chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn theo quy định với trọng tâm là hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học; tăng đầu tư, hỗ trợ cho các thư viện công lập có vai trò quan trọng để tập trung phục vụ, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi trên địa bàn, đồng thời khuyến khích, phát huy vai trò của thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tham gia phục vụ thiếu nhi tại cơ sở.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương nghiên cứu thực hiện. Đồng thời tỉnh cũng báo cáo, kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục duy trì nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để tăng cường vốn tài liệu đáp ứng nhu cầu phục vụ bạn đọc trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện cộng đồng và các loại hình thư viện khác./.

Bích Huệ