PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

25/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển, mở rộng hệ thống phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
Cùng với việc triển khai các giải pháp phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tích cực phát triển, mở rộng hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 6.515 người khuyết tật, trong đó có 3.501 người nam và 3.014 người nữ; có 1.153 trẻ em.

Thời gian qua, việc triển khai PHCN dựa vào cộng đồng được quan tâm triển khai từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng; tuyến huyện có Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng hoặc Tổ Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng nằm trong khối liên chuyên khoa tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; tuyến xã có 1 viên chức phụ trách công tác PHCN dựa vào cộng đồng tại Trạm Y tế.


Ngành Y tế Bắc Kạn triển khai nhiều hoạt động thăm khám sức khỏe cho trẻ em trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện,
can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng

Việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, cung ứng thuốc và vật tư thiết yếu, ứng dụng công nghệ thông tin trong PHCN và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật được đặc biệt quan tâm. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã mua sắm các trang thiết bị PHCN như máy kéo giãn cột sống; máy điều trị lase chiếu ngoài công suất thấp; máy điện xung; máy sóng ngắn trị liệu; máy vi sóng; máy kích thích thần kinh cơ; máy từ rung nhiệt; máy siêu âm trị liệu; bộ ròng rọc tập khớp vai; nồi đun parafin; bộ khung tập đi; thanh song song; bục tập đi; bộ dụng cụ tập tay và bàn tay; đèn hồng ngoại và các trang thiết bị thông thường khác để phục vụ PHCN cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế cho biết, qua hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật được triển khai từ tỉnh đến xã, đã có 26.471 trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, trong đó chủ yếu là dị tật bẩm sinh như sứt môi hở hàm ếch, dính ngón, thừa ngón; các tổn thương về da như sẹo co kéo, dính do bỏng, do súc vật cắn, do chấn thương; bệnh tim bẩm sinh; một số bệnh mắc phải và các di chứng chấn thương.

Cùng với đó, việc cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú luôn được quan tâm, đảm bảo cho người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế, qua đó nâng cao chất lượng sức khỏe tại cộng đồng. Hiện nay, 100% người khuyết tật thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định; 100% xã, phường, thị trấn tiến hành lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật, đảm bảo người khuyết tật được cấp sổ theo dõi, nhận thuốc cấp phát theo định kỳ và đã có trên 3.656 người khuyết tật được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh và PHCN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật khắc phục khuyết tật về vận động mức độ vừa, khuyết tật về thị lực bằng kỹ thuật cao. Ngành Y tế đã phối hợp với Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Chỉnh hình phục hồi chức năng Thái Nguyên... tổ chức các đợt khám sàng lọc, tổ chức phẫu thuật tại tỉnh và đưa đối tượng khuyết tật nặng đủ điều kiện đi phẫu thuật, PHCN tại các bệnh viện tuyến trung ương và Bệnh viện Chỉnh hình PHCN Thái Nguyên. Do điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị triển khai các dịch vụ kỹ thuật PHCN của các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh còn hạn chế nên việc tổ chức PHCN cho các đối tượng khuyết tật nặng, phức tạp trên địa bàn tỉnh vẫn phải chuyển lên tuyến trung ương điều trị. 

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động PHCN tại cộng đồng, song số liệu đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển PHCN giai đoạn 2014 - 2020 cho thấy, một số mục tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra như mục tiêu đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật (mới đạt 40%); mục tiêu 90% các huyện, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (mới đạt 50%)…

Theo Sở Y tế, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động PHCN người khuyết tật còn hạn hẹp nên mới chỉ bố trí cho các hoạt động thường xuyên, bố trí đầu tư các trang thiết bị còn rất hạn chế, đặc biệt là trang thiết bị hiện đại để sàng lọc và PHCN tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tổ chức bộ máy làm công tác PHCN chưa hoàn thiện; hiện nay, tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa PHCN, các khoa PHCN ở các cơ sở khám, chữa bệnh đều ghép với khoa y học cổ truyền. Nhân lực PHCN trên địa bàn tỉnh mặc dù đạt tỷ lệ quy định song chưa đảm bảo về cơ cấu, chất lượng, chưa được đào tạo chuyên khoa sâu về PHCN. Nguồn nhân lực phụ trách Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại các Trạm Y tế chủ yếu kiêm nhiệm, chưa xây dựng được mô hình thống nhất PHCN dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh…

Nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống PHCN tại các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, PHCN người khuyết tật, UBND tỉnh vừa mới ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu bảo đảm cho người khuyết tật và người có nhu cầu về PHCN được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng nhằm giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, hạn chế hậu quả tàn tật, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể là tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các huyện, thành phố triển khai mô hình PHCN dựa vào cộng đồng gắn với việc thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở PHCN; đảm bảo trên 80% cơ sở PHCN được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật PHCN tại các tuyến; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có cung cấp dịch vụ PHCN đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật về PHCN. Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực phục hồi chức năng tại các tuyến đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN tối thiểu 1 người/10.000 dân.

Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển dịch vụ kỹ thuật, PHCN tại tất cả các tuyến với sự đa dạng về phương pháp can thiệp, đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện, liên tục, chất lượng; đẩy mạnh hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, gắn với việc thực hiện và duy trì có hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã theo từng giai đoạn và được tích hợp trong các dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế; mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ khám, sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật PHCN thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu...

Theo đó, về cơ chế, chính sách, tỉnh chủ trương nghiên cứu, xây dựng chính sách chi trả bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật sử dụng dụng cụ PHCN, công nghệ trợ giúp, thiết bị, vật liệu phục hồi chức năng, trang thiết bị y tế đặc thù cá nhân và hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng; xây dựng vị trí việc làm của các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực PHCN, đặc biệt là phát triển mạng lưới PHCN dựa vào cộng đồng và triển khai mô hình PHCN dựa vào cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh; ưu tiên người khuyết tật là các đối tượng đặc biệt như người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, dioxin, người cao tuổi, người tâm thần và trẻ tự kỷ...

Theo Kế hoạch, tỉnh triển khai việc thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng quy mô 75 giường bệnh theo Đề án đảm bảo cơ sở vật chất ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 9/11/2021 của UBND tỉnh. Cùng với đó là củng cố, phát triển khoa PHCN của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở PHCN ngoài công lập.

Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về PHCN, trong đó chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật. Tăng cường đào tạo, tập huấn, phát triển năng lực khám, chữa bệnh PHCN cho cán bộ y tế.

Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật. Huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư các trang thiết bị PHCN và nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở khám, chữa bệnh PHCN và chương trình PHCN dựa vào cộng đồng…/.

BH