PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/12/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quan tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm tổ chức, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, từ các cấp quản lý đến cá nhân người tiêu dùng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Người tiêu dùng mua sắm tại Vicom plaza (thành phố Bắc Kạn)

Để nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tăng cường thực hiện thông qua các hình thức như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn; tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam hằng năm. Đặc biệt, Sở Công Thương đã tổ chức Chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng” năm 2021 với các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm hàng hóa, nhằm tạo cơ hội để người tiêu dùng được tham quan, mua sắm, sử dụng các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, được hưởng thụ các ưu đãi của nhà sản xuất.

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường tỉnh đã được các ngành chức năng quan tâm triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra 6.641 lượt vụ; phát hiện và xử lý 1.609 lượt vụ, xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 101/110 đối tượng và 11 tổ chức liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thu giữ nhiều hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ..., giá trị tài sản thu giữ 575 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 772 triệu đồng.

Sở Khoa học và Công nghệ hằng năm chủ trì và phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp kiểm tra, đánh giá về chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong lĩnh vực nông lâm thủy sản để các sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Y tế đã tổ chức 19 cuộc thanh tra, kiểm tra 620 cơ sở trong lĩnh vực ngành quản lý; qua đó đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 63 cơ sở vi phạm về lĩnh vực dược, khám, chữa bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính 179 triệu đồng. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu sử dụng các mặt hàng dược phẩm, dịch vụ y tế tăng cao, Sở Y tế đã chủ động kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế, không để xảy ra các hiện tượng thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến dịch Covid-19, góp phần ổn định cung cầu thị trường, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng quan tâm giải quyết các phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, đến nay, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, tăng cường công tác bảo hành sản phẩm, tư vấn và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng; thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến mại, tri ân khách hàng. Nhiều người tiêu dùng đã biết được các quyền của mình trong giao dịch, mua bán; thói quen, nhận thức của người tiêu dùng trong mua sắm, tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như có những phản ánh liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên cũng còn một thực tế đó là, mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng nhận thức của người tiêu dùng về quyền và trách nhiệm của mình trong tiêu dùng chưa cao; e ngại kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng khi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại. Tâm lý người tiêu dùng còn dễ dãi trong lựa chọn mua hàng, tạo cơ hội cho hàng hóa kém chất lượng xuất hiện. Đặc biệt, người tiêu dùng tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa ít tiếp cận được các nguồn thông tin, chính sách pháp luật; một số tổ chức, cá nhân kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, lợi dụng kẽ hỡ pháp luật và sự thiếu hiểu biết, thiếu thận trọng của người tiêu dùng để thu lợi bất chính. Đồng thời, việc xuất hiện các hành vi, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh mới, đa dạng, phức tạp; kinh doanh hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp..., gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh, xử lý.

Vì vậy, thời gian tới cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp; sự tham gia hợp tác, hỗ trợ của tất cả các tổ chức, cá nhân..., góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh./.

Bích Huệ