PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng vụ Đông
Vụ Đông năm 2021, Bắc Kạn đặt ra mục tiêu sản xuất các loại cây trồng theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của năm.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo Phương án sản xuất vụ Đông năm 2021, toàn tỉnh thực hiện 1.549 ha cây trồng các loại, phấn đấu tổng sản lượng đạt 17.904 tấn. Địa phương được giao chỉ tiêu nhiều nhất là huyện Chợ Mới 375 ha, tiếp đó là Bạch Thông 220 ha, Chợ Đồn 215 ha, Na Rì 215 ha, Ba Bể 172 ha, Pác Nặm 155 ha, Ngân Sơn 122 ha, thành phố Bắc Kạn 75 ha. Các loại cây trồng chủ yếu sản xuất trong vụ Đông này là ngô hạt, ngô sinh khối, khoai tây, khoai lang, dưa các loại, kiệu, tỏi, cà chua, bí đỏ, rau màu các loại.

Trên cơ sở phương án sản xuất của UBND tỉnh, các địa phương đã chỉ đạo bố trí thời vụ cây trồng phù hợp, huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân sản xuất vụ Đông. Việc áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất ngày càng được người dân quan tâm đầu tư. Cơ cấu giống cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn, các giống cây trồng đưa vào sản xuất có năng suất, chất lượng cao. Vật tư nông nghiệp được cung ứng đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Các sản phẩm cây trồng tạo ra có giá thành ổn định, đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất với các công ty, doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm như ớt, khoai tây, rau cải Nhật, củ kiệu… Đặc biệt lần đầu tiên, cây ngô sinh khối có trong cơ cấu cây trồng vụ Đông. Đây là loại cây trồng để làm thức ăn chăn nuôi gia súc, được Hợp tác xã (HTX) Kiên Anh bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, người dân các địa phương đã trồng ngô sinh khối với diện tích vượt kế hoạch.

Cây ngô sinh khối trồng vụ Đông tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn

Trong công tác chỉ đạo sản xuất, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành chức năng tích cực bám sát cơ sở, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất, từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang quy mô HTX; tổ chức sản xuất theo kế hoạch và yêu cầu của thị trường, hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất trong chỉ đạo sản xuất, từ xây dựng kế hoạch trồng cũng như liên kết tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn cho người dân. Thường xuyên kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp tại cơ sở, đặc biệt vào thời điểm trước khi bước vào vụ sản xuất. Phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc, gây thiệt hại cho người dân.

Ngành Nông nghiệp cũng đã hướng dẫn nông dân gieo trồng đảm bảo khung thời vụ đối với từng loại cây trồng, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; tăng cường cơ giới hóa trong các khâu canh tác, giảm tối đa chi phí đầu vào trong sản xuất. Bố trí cơ cấu giống hợp lý cho từng vùng sản xuất, khuyến cáo bà con sử dụng các giống có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của địa phương và nhu cầu thị trường.

HTX Toàn Dân tại huyện Chợ Đồn trồng cây dưa lưới chất lượng cao trong vụ Đông 2021

Đối với cây rau các loại, người dân áp dụng các biện pháp canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học…

Ngoài ra, các địa phương chủ động tích nước tại các hồ chứa để đảm bảo nguồn nước tưới; tập trung sửa chữa, nạo vét kênh mương; hướng dẫn và kiểm tra công tác vận hành, quản lý nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông có hiệu quả, tránh lãng phí.

Hiện nay, đợt lạnh đầu tiên đã ảnh hưởng đến toàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân không gieo trồng khi nhiệt độ thấp dưới 15°C kéo dài; chăm sóc, bón phân cho cây trồng đầy đủ, cân đối để cây khoẻ, tăng khả năng chống rét; thực hiện các phương pháp phòng, chống rét cho cây trồng như che phủ rơm rạ, nilon, tưới nước. Thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để có phương án ứng phó thích hợp.

Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất vụ Đông năm 2021 có những khó khăn nhất định như cơ cấu giống lúa vụ Mùa hiện chiếm 50% diện tích là giống dài ngày (giống Bao thai) hiện nay chưa đến kỳ thu hoạch nên diện tích này không đảm bảo thời vụ đối với các cây trồng vụ Đông. Hệ thống thủy lợi phục vụ nhu cầu tưới vụ Đông còn hạn chế. Giá cả một số loại vật tư đầu vào tăng cao so với vụ đông năm 2020, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Việc liên kết sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do diện tích đất còn manh mún. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến tâm lý của người sản xuất và ảnh hưởng đến việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ…

Những năm qua, sản xuất vụ Đông trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng. Bà con nông dân tuân thủ đúng khung thời vụ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, sử dụng giống chất lượng. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu mối tiêu thụ ổn định để người dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất. Vì vậy, sản xuất vụ Đông đã trở thành một trong những vụ sản xuất chính, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần không nhỏ vào mục tiêu tăng trưởng hằng năm của tỉnh.

Với những thuận lợi trong sản xuất vụ Đông, chú trọng đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, Bắc Kạn phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành Nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 đạt 3,5%./.

Hương Lan