PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tháng 5 về nơi Bác dừng chân
Một ngày tháng 5, chúng tôi có dịp về Cốc Đán, huyện Ngân Sơn. Nơi đây Bác Hồ đã dừng chân trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) đi Tân Trào (Tuyên Quang) năm 1945.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Câu chuyện về Bác được truyền từ người già đến người trẻ, góp phần gìn giữ truyền thống lịch sử của quê hương Cốc Đán

Nơi ghi dấu lịch sử năm xưa

Dọc qua những con đường quanh co trải nhựa, hai bên đồi thấp thoáng những nếp nhà sàn xen lẫn những ngôi nhà mới xây, những thửa ruộng xanh tốt dẫn chúng tôi đến thôn Hoàng Phài. Đặc điểm dễ nhận thấy từ xa là cây đa cổ thụ tỏa bóng mát rộng khắp khu di tích. Di tích lịch sử ngày nay đã được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên sạch đẹp, xứng tầm Di tích lịch sử Quốc gia.

Trên bia di tích có ghi lại lịch sử năm xưa. Đầu năm 1945, tình hình thế giới tạo cơ hội ngàn năm để lực lượng cách mạng trong nước chớp thời cơ giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào rải giáp vũ khí quân Nhật. Bác Hồ đã tổ chức Hội nghị tại lán Khuổi Nặm để xác định nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta là lãnh đạo toàn quốc khởi nghĩa giành chính quyền. Để bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thuận tiện, Bác đề nghị chuyển cơ quan về gần Hà Nội, không ở Pác Bó nữa. Sau đó, Người cùng đoàn công tác dời Pác Bó đến Tân Trào để thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước.


Bia ghi lại lịch sử năm xưa Bác dừng chân tại Hoàng Phài, xã Cốc Đán

Khoảng 9h ngày 4/5/1945, đoàn xuất phát từ lán Khuổi Nặm, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Lộ trình từ Pác Bó về Tân Trào chia làm 2 chặng: Chặng 1 từ Pác Bó đến Lam Sơn (Hòa An, Cao Bằng); chặng 2 từ Lam Sơn đến Tân Trào (Tuyên Quang). Đoàn công tác đã đi qua và dừng chân nghỉ tại nhiều địa điểm. Trong đó, vào khoảng 16 - 17 giờ ngày 11/5, Bác Hồ cùng đoàn công tác đã đến và nghỉ tại bản Hoàng Phài, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.

Cũng như những địa phương khác, ở Hoàng Phài, phong trào cách mạng của các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Việt Minh phát triển rầm rộ, là một trong những cơ sở cách mạng vững chắc. Nhân dân bản Hoàng Phài nô nức, phấn khởi và vô cùng vinh dự khi được đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đoàn công tác. Ban Việt Minh xã đã chuẩn bị một con lợn để mổ phục vụ đoàn. Bác Hồ được tổ chức bố trí nghỉ tại nhà của ông Đồng Phúc Trưởng - Trưởng bản. Ngôi nhà đất 3 gian đối diện với lớp bình dân học vụ, cửa nhà quay ra hướng cánh đồng, đằng sau nhà là chợ Cốc Đán, cạnh chợ có cây đa cổ thụ tỏa bóng mát rộng lớn.

Sau bữa tối cùng đoàn công tác và mọi người, tại Hoàng Phài đã diễn ra cuộc gặp gỡ nói chuyện thân mật giữa Bác Hồ với đại diện các đoàn thể và bà con nhân dân xã Cốc Đán. Tại đây, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người, động viên bà con đoàn kết, phấn đấu lao động sản xuất để đạt kết quả cao. Đặc biệt, Bác nhắc nhở các đồng chí cán bộ xã phải luôn gương mẫu, cố gắng học hỏi tạo lòng tin trong Nhân dân. Mặc dù thời gian ít ỏi nhưng Bác vẫn dành thời gian đáng kể để thông tin về tình hình thế giới và trong nước cho Nhân dân nghe, trong đó vạch ra con đường giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp… Cuối buổi nói chuyện, Bác chủ trì buổi liên hoan văn nghệ “cây nhà lá vườn” đầm ấm và vui vẻ. Cuộc vui văn nghệ kết thúc, Bác không quên căn dặn các cháu nam nữ thanh niên cố gắng phấn đấu rèn luyện, chăm chỉ học tập để sau này trở thành những chủ nhân của nước Việt Nam độc lập.

Sau này, tại gốc cây đa chợ Cốc Đán, chính quyền địa phương đã đặt một tấm bia với nội dung “Địa điểm Bác Hồ nghỉ chân trên đường đi công tác từ Pác Bó đến Tân Trào”. Đây vừa là nơi ghi dấu chặng đường lãnh đạo Nhân dân đấu tranh cách mạng, vừa là nơi ghi dấu những tình cảm tốt đẹp của Bác dành cho Nhân dân bản Hoàng Phài cũng như Nhân dân các dân tộc ở địa phương.

Với những cống hiến lớn lao trong kháng chiến, năm 2000, xã Cốc Đán vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại Quyết định số 3503/QĐ-BVHTTDL ngày 31/10/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận và xếp hạng di tích Địa điểm lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào tháng 5/1945 xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Quê hương khắc ghi lời Bác

Di tích ngày nay đã được tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Người già, người trẻ trong thôn, trong xã thường qua đây vừa để tìm hiểu về lịch sử, vừa để tham quan di tích.


Bà Đồng Thị Sơ kể chuyện về Bác trong ngôi nhà năm xưa Bác và Đoàn công tác nghỉ lại trên đường từ Pác Bó đi Tân Trào

Theo chân cán bộ văn hóa xã Cốc Đán, chúng tôi đến gia đình ngày trước Bác và Đoàn công tác đã nghỉ lại trong đêm. Vẫn là ngôi nhà 3 gian rộng rãi như trong câu chuyện kể về Bác, tiếp đón chúng tôi là bà Đồng Thị Sơ, cháu của ông Đồng Phúc Trưởng - Trưởng bản Hoàng Phài những năm 1945. Bà kể rằng, khi Bác Hồ đến ở tại gia đình thì bà mới 3 tuổi, vẫn còn nhỏ. Khi ấy, nhà có ông bà nội, gia đình bác Trưởng và gia đình bà sống chung trong căn nhà này. Qua nghe câu chuyện về Bác Hồ mà ông bà nội, bác Trưởng và bố là Đồng Phúc Lược kể lại, bà cảm thấy vinh dự vì gia đình được lựa chọn là nơi Bác dừng chân nghỉ lại trên đường chuyển cơ quan. Sau này, bà thường nhắc nhở con cháu học tập tiến bộ, chăm chỉ lao động. Ngôi nhà cũng được bà và gia đình gìn giữ, chăm chút để giáo dục truyền thống cho con cháu.  

Đối với thế hệ trẻ, quê hương cũng hun đúc nên những người con xung kích trên các mặt công tác. Em Bàn Thị Bến hiện đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, nhà ở tại thôn Cốc Moỏng, xã Cốc Đán chia sẻ, được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất lịch sử, em cảm thấy vô cùng tự hào. Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, nhớ về Bác Hồ, bản thân em cùng với các anh chị, bạn bè và các em trong thôn, trong xã nguyện phấn đấu rèn luyện trong học tập và công tác như lời Bác căn dặn năm xưa.


Người dân trong xã Cốc Đán đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế

Lời Bác năm xưa vẫn còn vang mãi với nhân dân xã Cốc Đán cũng như của quê hương Ngân Sơn. Tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được, người dân luôn đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, từng bước phát triển kinh tế - xã hội ngày càng vững mạnh.

Những năm qua, cùng với hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhất là giao thông đến từng thôn bản được đầu tư khang trang đã góp phần tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội huyện Ngân Sơn. Cây lúa, cây thuốc lá, trồng rừng là những thế mạnh của địa phương được người dân tập trung phát triển, nâng cao đời sống. Với tinh thần đoàn kết, cần cù chịu khó của Nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xã Cốc Đán và huyện Ngân Sơn tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án trọng điểm được trên đầu tư; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển./.

Hương Lan