PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/11/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc năm 2023 ước đạt 97,44%
Theo báo cáo của UBND tỉnh, dự kiến đến ngày 31/12/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là 23.150/23.757 người, đạt 97,44%; BHXH thất nghiệp đạt 97,87%; BHXH tự nguyện đạt 69% (đạt giá trị tăng trưởng 0,54% so với năm 2022); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) là 95,7%.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Tổ chức tuyên truyền, tư vấn tham gia BHXH tại Chợ Tết Công đoàn năm 2023

Đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn và sự chung tay vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, kinh phí ngân sách nhà nước dự ước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện gần 4,4 tỷ đồng cho 9.560 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng khác, tăng hơn 152 triệu đồng so với năm 2022.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch giao. Theo chỉ tiêu HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao, tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2023 phải đạt 97% dân số; số người tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt ≥ 98% so với số người thuộc diện tham gia; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt tốc độ tăng trưởng trên ≥ 32% so với số người tham gia năm 2022.

Theo phân tích, đánh giá của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt thấp do Bắc Kạn là tỉnh miền núi hoạt động kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố thời tiết, thiên tai dịch bệnh, thu nhập thấp không ổn định, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, còn khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chưa thu hút được nhiều lao động của địa phương. Bên cạnh đó, phần lớn lực lượng lao động trong độ tuổi của địa phương đều đi làm công nhân tại các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận và tham gia bảo hiểm tại đó (chiếm khoảng 30.000 đến 35.000 người trong độ tuổi lao động).

Một nguyên nhân nữa khiến số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp đó là do thay đổi mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, áp dụng từ ngày 1/1/2022 là 1.500.000 đồng/tháng (mức cũ là 700.000 đồng/tháng) dẫn đến mức đóng đóng BHXH tự nguyện tăng lên, người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chủ yếu lựa chọn tham gia ở mức thấp nhất theo chuẩn nghèo cũ, nay điều chỉnh tăng mức đóng nên không có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện và dừng đóng.

Cùng với đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn với người dân. Chế độ BHXH tự nguyện gồm 2 chế độ hưu trí và tử tuất, chưa có các chế độ khác như ốm đau, thai sản để người dân tham gia lựa chọn, điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện đủ 20 năm để hưởng hưu trí là dài; mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện còn thấp.

Chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHTN chưa nghiêm nên còn nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm Luật BHXH, gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người lao động và bức xúc trong xã hội; việc xử lý đối với vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo Bộ luật Hình sự còn gặp khó khăn, chưa có quy định cụ thể để tổ chức thực hiện.

Để khắc phục những hạn chế này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đưa tỷ lệ nợ đóng trên địa bàn tỉnh xuống mức thấp nhất. Đồng thời, giao BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức - chính trị xã hội tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, hội viên, thân nhân… tham gia BHXH tự nguyện; đôn đốc UBND các huyện, thành phố lập kế hoạch và giải pháp cụ thể để phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn; gắn trách nhiệm phát triển người tham gia BHXH theo từng địa bàn xã, phường với chính quyền địa phương.

UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam xem xét, nghiên cứu giao chỉ tiêu đối với tỷ lệ tham gia BHXH trên lực lượng lao động trong độ tuổi của các tỉnh miền núi, vùng khó khăn thấp hơn mặt bằng chung so với cả nước vì việc tham gia BHXH tự nguyện tại các tỉnh miền núi là rất khó để đạt được mức tăng trưởng trên 30%.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến báo cáo Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHTN; hướng dẫn cụ thể cách xử lý đối với vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Bộ luật Hình sự.../.

BH