Độ tương phản
Miến dong Bắc Kạn
Hiện nay, toàn tỉnh có 86 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 1 cơ sở chế biến đạt công suất 200 tấn miến dong/năm; 4 cơ sở chế biến đạt công suất trên 80 tấn miến dong/năm... Các cơ sở đã đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giúp nâng cao uy tín, hình ảnh của miến dong Bắc Kạn đối với thị trường trong nước. Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tinh bột Nghệ, Curcumin nghệ Bắc Kạn
Năm 2021, toàn tỉnh trồng gần 166 ha nghệ với sản lượng 3.441 tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều sản phẩm được chế biến từ củ nghệ của các doanh nghiệp, hợp tác xã uy tín. Tinh bột nghệ nếp đỏ cao cấp của HTX Nông nghiệp Tân Thành đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021. Sản phẩm Vi-cumax Nano curcumin của Công ty TNHH Nhà máy Curcumin Bắc Kạn đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Sản phẩm Viên tinh nghệ mật ong và Tinh nghệ Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn được đánh giá sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.
Sản phẩm Chè
Chè là cây công nghiệp dài ngày, được trồng khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.728 ha chè. Năm 2021, diện tích đã được chứng nhận VietGAP là 50,9 ha, chứng nhận hữu cơ là 12,7 ha, diện tích được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là 14 ha.
Gạo Bao thai Chợ Đồn
Cây lúa Bao thai đã có lịch sử trồng hàng trăm năm tại tỉnh Bắc Kạn, giống lúa này được canh tác rộng rãi trên địa bàn huyện Chợ Đồn vào vụ mùa hằng năm, cây lúa cho năng suất ổn định. Năm 2011, “Gạo Bao thai Chợ Đồn” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) chứng nhận Nhãn hiệu tập thể.
Đặc trưng của gạo Bao thai Chợ Đồn giàu dinh dưỡng, hạt gạo trắng, khi nấu thành cơm có vị ngọt, vị đậm đặc trưng. Hiện nay, diện tích trồng lúa Bao thai toàn tỉnh 6.805 ha, sản lượng đạt trên 30.500 tấn; trong đó, tại huyện Chợ Đồn diện tích đạt 1.720 ha, sản lượng trên 9.000 tấn. Nhiều sản phẩm được chế biến từ gạo Bao thai như bún, phở khô... đã góp phần nâng giá trị sản phẩm đặc sản địa phương.
Gạo Japonica
Các giống lúa thuộc dòng Japonica gồm VAAS16 và J02 được tỉnh Bắc Kạn đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2018, đến nay, diện tích trồng đạt 462 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Pác Nặm. Năng suất khoảng 55 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 2.541 tấn. Gạo Japonica có dạng hạt tròn đầu, màu trắng tự nhiên, khi nấu thành cơm có hương thơm dịu và vị ngọt, dẻo, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Gạo nếp thơm (Khẩu nua lếch Ngân Sơn)
Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho gạo Khẩu nua lếch Ngân Sơn. Với chất lượng gạo ngon, mềm, dẻo và có mùi thơm đặc trưng, hiện nay, diện tích trồng lúa Khẩu nua Lếch Ngân Sơn khoảng trên 100 ha, năng suất đạt khoảng 41 tạ/ha, sản lượng ước đạt 410 tấn/năm.
Quýt Bắc Kạn
Tổng diện tích hiện có là 3.235 ha; trong đó, diện tích đã được đầu tư, thâm canh là 864 ha, diện tích được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP là 26,8 ha, được chứng nhận an toàn thực phẩm là trên 133 ha.
Năm 2012, sản phẩm quýt Bắc Kạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2015, sản phẩm quýt Bắc Kạn đạt danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Cam Bắc Kạn
Tổng diện tích cam của tỉnh hiện có là 990 ha, diện tích đã cho thu hoạch là 646 ha. Diện tích đã được đầu tư, thâm canh là 257 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP là 26,8 ha, được chứng nhận an toàn thực phẩm là 133,2 ha.
Cây cam, quýt đang được trồng tập trung tại các xã Dương Phong, Đôn Phong, Quang Thuận huyện Bạch Thông; các xã Đồng Thắng, Phương Viên huyện Chợ Đồn và một số xã thuộc các huyện Na Rì, Chợ Mới và Ba Bể.
Hồng không hạt Bắc Kạn
Tổng diện tích hiện có là 686 ha; trong đó, diện tích đã cho thu hoạch 393 ha, năng suất trung bình 43,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.726 tấn. Diện tích đã được đầu tư thâm canh là 38 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP 3,1 ha, diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm là 2 ha.
Năm 2010, sản phẩm hồng không hạt của Bắc Kạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Sau khi được chứng nhận, sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu. Năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong bảng xếp hạng 100 sản phẩm nổi tiếng nhất Việt Nam.
Bí xanh thơm Bắc Kạn
Bí xanh thơm Bắc Kạn là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể. Trái bí có dáng thon dài, vỏ dày và cứng với các đặc điểm toàn bộ thân, lá, hoa và quả có mùi thơm đặc trưng. Trọng lượng trung bình đạt khoảng 1,5 - 3 kg/quả.
Năm 2022, toàn tỉnh đã trồng được 304 ha, chủ yếu tại huyện Ba Bể với 185 ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 9.818 tấn. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, trong đó có 3 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 2 ha được cấp chứng nhận hữu cơ PGS. Sản phẩm bí thơm Ba Bể của HTX Yến Dương đạt chứng nhận OCOP 4 sao năm 2021.
Chuối sấy dẻo
Tổng diện tích trồng cây chuối hiện có là 1.210 ha, năng suất trung bình 121,09 tạ/ha. Diện tích đã được đầu tư thâm canh là 60 ha, diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm là 10 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP là 20 ha. Hiện nay, cây chuối cơ bản được sản xuất theo hướng hàng hóa, trong đó có khoảng 30 - 40% đã được đưa vào chế biến thành các sản phẩm chuối sấy dẻo, rượu chuối…
Cây mơ
Tổng diện tích hiện có là 623 ha, sản lượng đạt trên 2.300 tấn. Cây mơ đang được trồng hầu hết tại các huyện, thành phố nhưng tập trung chủ yếu tại các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn và thành phố Bắc Kạn. Hiện nay, thị trường tiêu thụ mơ khá ổn định, do trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhà máy chế biến mơ của Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, với năng lực chế biến đạt 5.000 tấn/năm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển cây trồng này.
Sản phẩm gỗ
Tổng diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất toàn tỉnh là 417.539 ha, chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên, diện tích đất có rừng là 356.740 ha, độ che phủ đạt 73,4%. Năm 2020, ước thực hiện khai thác gỗ các loại là 260.000 m3; năm 2021, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 293.980 m3.
Sản phẩm chăn nuôi
Tổng đàn trâu, bò hiện nay là trên 64.300 con; có trên 20.000 hộ chăn nuôi trâu, bò; 4 HTX và 1 trang trại.
Tổng đàn lợn hiện có trên 144.800 con. Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, 5 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi lợn và trên 30 HTX chăn nuôi. Tổng số lợn nuôi tại các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi chiếm 16% so với tổng đàn, số còn lại chủ yếu là chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ./.
Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ góp phần giảm nghèo bền vững (20/12/2024)
Thúc đẩy tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian phát triển bền vững (19/12/2024)
Bắc Kạn có 2 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm (18/12/2024)
Đầu tư công là động lực dẫn dắt trong phát triển kinh tế - xã hội (17/12/2024)
Tích cực phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi (16/12/2024)