PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

05/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chợ Đồn giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách đã mang lại nhiều kết quả tích cực trên địa bàn huyện Chợ Đốn. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cán bộ NHCSXH huyện Chợ Đồn thăm mô hình phát triển kinh tế sử dụng nguồn vay của ngân hàng tại các xã

Trên cơ sở Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đem lại hiệu quả từ nguồn vốn cho vay, UBND huyện Chợ Đồn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để NHCSXH huyện làm cơ sở cho vay, tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân.

Do thực hiện tốt công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn nên trong 10 năm qua, NHCSXH thực hiện giải ngân cho vay đạt trên 7.012 tỷ đồng, cho 170.143 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó giai đoạn 2015 - 2019, NHCSXH thực hiện giải ngân cho vay đạt 2.974 tỷ đồng, cho 93.892 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; giai đoạn 2020 đến ngày 30/4/2024, NHCSXH thực hiện giải ngân cho vay đạt 4.038 tỷ đồng, cho 76.251 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Với phương thức “Giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã”, đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 500,55 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 98,04% tổng dư nợ, với 6.785 hộ vay. Công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn được các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm, toàn huyện có 245 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động có hiệu quả, đồng thời tổ chức giao dịch tại 20 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn. Các tổ giao dịch tại xã, thị trấn được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng bảo đảm an ninh, an toàn cho phiên giao dịch; cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, tổ dân phố của xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tham gia thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện đã thực sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo sát sao đến các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đối với chất lượng tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để NHCSXH huyện hoạt động giao dịch tại xã, thị trấn.

Nhờ đó, nguồn vốn cho vay được tăng lên hằng năm, đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn đạt 510,69 tỷ đồng, tăng 303,76 tỷ đồng so với cuối năm 2014 và tăng 220 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Số hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH 28.274 hộ; 418 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 2.589 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 738 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 8.018 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 96 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhằm phát huy tối đa hiệu quả, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án của đơn vị triển khai trên địa bàn, đặc biệt là các chương trình, dự án phục vụ sản xuất theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, từ đó làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tiêu biểu như mô hình sản xuất bún, phở khô tại xã Tân Lập; trồng cam, quýt tại xã Đồng Thắng, Đại Sảo, Ngọc Phái; chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Xuân Lạc; nuôi dê sinh sản tại xã Yên Thịnh, Lương Bằng; chăn nuôi lợn bản địa tại xã Đồng Thắng; sản xuất măng sấy khô tại Xuân Lạc; trồng và chế biến chè hoa vàng tại xã Nghĩa Tá…

Bà Nông Thị Thu Hoài - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chợ Đồn cho biết, sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chủ động phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể và tinh thần trách nhiệm của NHCSXH đã đem lại hiệu quả trong tổ chức triển khai nguồn vốn cho vay. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện khuyến khích mỗi cán bộ Ngân hàng và Hội, đoàn thể là một "tuyên truyền viên" tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình tín dụng mới, đặc biệt là tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người dân khi vay vốn, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Thu Trang