PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/03/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chủ động phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng vụ Xuân
Hiện nay, trên một số diện tích cây trồng vụ Xuân xuất hiện sâu bệnh hại, ngành chuyên môn và các địa phương đang tích cực hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nông dân xã Lục Bình, huyện Bạch Thông phun thuốc trừ ốc bươu vàng cho lúa mới cấy 

Theo tổng hợp từ ngành Nông nghiệp và Môi trường, tính đến ngày 26/3, toàn tỉnh gieo trồng được gần 8.000 ha lúa xuân, gần 6.000 ha ngô, trên 1.100 ha cây thuốc lá, 160 ha cây bí xanh thơm, 338 ha dong riềng, trên 1.000 ha rau. Ngành chuyên môn và các địa phương đang hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt.

Tuy nhiên, theo điều tra của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Môi trường), từ ngày 20 - 26/3, trên diện tích lúa mới cấy - hồi xanh tại các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn, ốc bươu vàng tiếp tục hại rải rác, mật độ phổ biến 1 con/m2, cao 5 con/m2, cá biệt 10 con/m2 với diện tích nhiễm 42 ha, trong đó, nhiễm nhẹ - trung bình 37,5 ha tại các xã Tân Tú, Vi Hương của huyện Bạch Thông và các xã Nghiên Loan, An Thắng, Xuân La của huyện Pác Nặm.

Trên cây ngô, sâu xám và sâu keo mùa thu gây hại cục bộ tại huyện Bạch Thông. Sâu sám hại rải rác trên diện tích ngô mới mọc đến 2 - 3 lá, mật độ phổ biến thấp, mật độ cá biệt 2 con/m2, diện tích nhiễm nhẹ 0,15 ha. Sâu keo mùa thu hại mật độ cá biệt 3 con/m2, diện tích nhiễm nhẹ 0,2 ha.

Dự báo trong thời gian tới, ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ gây hại trên diện tích lúa mới cấy - hồi xanh, đẻ nhánh; rầy hại cục bộ trên diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh; sâu xám, sâu keo mùa thu, dế mèn… hại rải rác diện tích ngô mới trồng từ bắt đầu mọc đến 2 - 3 lá.

Để cây trồng phát triển tốt, ngoài hướng dẫn về cách chăm sóc, bón phân, điều tiết nước tưới, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng hướng dẫn người dân phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa bằng biện pháp làm lưới chắn khi cho nước vào ruộng, vét rãnh trong ruộng để ốc tập trung vào trong rãnh và nhặt ốc đem tiêu hủy; đối với diện tích có mật độ ốc cao phun bằng các loại thuốc HN-Samole 700WP, Diotor 830WDG ...

Đối với sâu xám hại ngô, giai đoạn sâu non, bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu; xới đất, rắc vôi bột hoặc nấm xanh Metarhizium, chế phẩm Bacillus khu vực sâu gây hại. Để phòng trừ sâu keo mùa thu, cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời, bắt sâu bằng tay, ngắt bỏ ổ trứng đưa ra khỏi ruộng để tiêu hủy, khi mật độ sâu cao sử dụng một trong các loại thuốc như Lufen extra 100 EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP.... để phun trừ, phun theo hàng, ướt đều cả hai mặt lá và nách lá.

Ngoài ra, trên cây thuốc lá chú ý các đối tượng trừ rệp, bọ trĩ, bọ phấn; một số bệnh như đốm mắt cua, đốm lá và bệnh mốc sương, khảm lá ... gây hại. Để việc phòng trừ đạt hiệu quả cần vệ sinh ruộng thuốc lá, ngắt bỏ lá bệnh, nhổ bỏ cây bệnh, lá già không cho thu hoạch bỏ ra xa và tiêu hủy; khi phun trừ rệp, bọ phấn, bọ trĩ hướng đầu vòi phun từ dưới lên để thuốc tiếp xúc được với mặt dưới lá là vị trí trừ rệp, bọ phấn, bọ trĩ hại./.

Hương Dịu