PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại góp phần giúp người dân phát triển sinh kế bền vững   
Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) được triển khai tại Bắc Kạn từ năm 2014. Qua thời gian thực hiện, Chương trình đã phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập của người nông dân; hơn nữa đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong việc trồng và phát triển kinh tế rừng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tỉnh Bắc Kạn hiện có 485.996,0 ha diện tích rừng tự nhiên; trong đó, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 417.539 ha, chiếm 86% tổng diện tích rừng tự nhiên, độ che phủ rừng của tỉnh năm 2023 là 73,38%, là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Từ lợi thế đó, Chương trình FFF triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt đã tạo được sự thay đổi rõ nét về tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sinh kế dưới tán rừng.

Đại biểu trồng cây sau Lễ phát động chiến dịch truyền thông về trồng rừng và phục hồi rừng, giảm phát thải nhà kính tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn vào sáng 23/4/2024

Chương trình FFF triển khai tại Bắc Kạn chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2014 - 2017, triển khai tại  xã Chu Hương và Mỹ Phương, huyện Ba Bể; giai đoạn 2, từ năm 2018 - 2022 triển khai tại 3 xã (Phương Viên, huyện Chợ Đồn và Mỹ Phương, Yến Dương, huyện Ba Bể). Giai đoạn 2 kéo dài, từ năm 2023 - 2025, triển khai tại 5 xã, gồm Yến Dương, Mỹ Phương, Thượng Giáo (Ba Bể); Phương Viên, Yên Phong (Chợ Đồn).

Qua thời gian triển khai, Chương trình FFF đã nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Nông dân các cấp, tư vấn hiệu quả hơn cho nông dân; các tổ hợp tác, hợp tác xã biết chọn sản phẩm, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, thay đổi tư duy sản xuất theo thị trường, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, cùng nhau đầu tư, chế biến gia tăng giá trị, đa dạng sản phẩm. Chương trình cũng gắn kết người sản xuất rừng và trang trại, tăng tính đoàn kết, hợp tác trong nông dân, cộng đồng; gắn kết tổ hợp tác, hợp tác xã với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan. Về môi trường, đã hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã có kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp bền vững, áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện môi trường, sản xuất hữu cơ, đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính gắn với phát triển và bảo vệ rừng bền vững,…

Thông qua Chương trình, trên địa bàn tỉnh đã có 15 hội nghị bàn tròn từ cấp xã đến cấp tỉnh được tổ chức để tuyên truyền những chính sách của trung ương, của tỉnh, huyện liên quan đến phát triển nông, lâm nghiệp; tìm ra những giải pháp hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất rừng và trang trại bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn thành lập và hỗ trợ duy trì 11 hợp tác xã, tổ hợp tác với 147 thành viên và 1 liên hiệp hợp tác xã, tập trung vào trồng và chăm sóc cây hồi, trồng lúa hữu cơ, nuôi ong dưới tán rừng, sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng, chăn nuôi trâu bò… Các hợp tác xã, tổ hợp tác được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, tập huấn kỹ thuật và tham gia các diễn đàn do các cấp, các ngành tổ chức.

Chương trình cũng đã hỗ trợ xây dựng và duy trì 13 mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Trong đó, tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể có 7 mô hình trồng lúa Nếp Tài hữu cơ; cây dược liệu như xạ đen, nhân trần; bí thơm hữu cơ; nuôi cá trên ruộng lúa Nếp Tài, trồng dong riềng; đan lát thủ công mỹ nghệ; du lịch trải nghiệm… Ngoài ra, hỗ trợ xã Mỹ Phương 4 mô hình trồng bí thơm theo quy trình hữu cơ; trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng; trồng và chăm sóc hồi, quế, trà xạ đen và cây dược liệu. Tại xã Phương Viên có 3 mô hình được duy trì, gồm mô hình trồng cây khôi nhung dưới tán rừng, chăm sóc rừng mỡ; trồng và chăm sóc cây hồi.

Cùng với đó, Ban Quản lý Chương trình FFF tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu Lâm sinh xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh; phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ xây dựng mô hình trồng cây dược liệu (xạ đen, đu đủ đực); hỗ trợ cây giống, phân bón và hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện sản phẩm; thành lập Ban Điều phối PGS Bắc Kạn, hướng dẫn các tổ hợp tác, hợp tác xã duy trì thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, cấp Chứng nhận hữu cơ PGS cho 23 lượt sản phẩm; hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã chế biến các sản phẩm hữu cơ như trà bí thơm, miến dong, gạo Nếp Tài; hướng dẫn xây dựng nhãn, mác bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia các hội chợ, sự kiện, Festival quảng bá, giới thiệu sản phẩm... từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho các hợp tác xã từ 20 - 25%/năm.

Các sản phẩm hữu cơ đã được các hợp tác xã kết nối tiêu thụ tại chuỗi các cửa hàng đặc sản, thực phẩm sạch, hữu cơ, OCOP tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, Ban Điều phối còn hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, các tổ hợp tác, hợp tác xã thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường, sản xuất hữu cơ, tích cực bảo vệ và phát triển rừng gỗ lớn, gia tăng giá trị dưới tán rừng. Đến nay, có 2 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác xây dựng Quỹ tín dụng xanh, triển khai cho các thành viên vay vốn để đầu tư trồng cây dược liệu, sản xuất và chế biến tinh bột dong riềng, chăn nuôi trâu bò nhằm quản lý, phát triển rừng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình FFF cũng gặp những khó khăn nhất định. Sự liên kết giữa các thành viên hợp tác xã và người sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu chưa chặt chẽ, đường giao thông vào khu sản xuất còn khó khăn. Diện tích đất sản xuất manh mún nhỏ lẻ, không tập trung; sản phẩm làm ra chưa có thị trường ổn định, giá cả bấp bênh. Một số người dân chưa hiểu rõ được lợi ích của sản xuất hữu cơ, trồng rừng gỗ lớn nên diện tích sản xuất hữu cơ, rừng gỗ lớn còn ít, chưa gia tăng được giá trị dưới tán rừng.

Để khắc phục những khó khăn đó, Hội Nông dân tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng các sản phẩm có chứng nhận theo tiêu chuẩn, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Đồng thời, duy trì xây dựng các mô hình rừng và trang trại, trồng cây gỗ lớn, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; tuyên truyền mở rộng các mô hình sản xuất hữu cơ và chế biến các sản phẩm hữu cơ; phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông lâm nghiệp, giúp người nông dân tăng thu nhập; xây dựng các sản phẩm đặc sản dựa trên thế mạnh của địa phương.../.

Ngọc Tú