PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/10/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đại biểu Quốc hội tranh luận về áp thuế 5% với phân bón
Việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5% vẫn là nội dung nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sáng 29/10, Quốc hội hảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5% vẫn là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý.

 Áp thuế 5% có lợi cho 3 nhà

Nêu ý kiến, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%.

 Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) chia sẻ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan của Tỉnh và rất thống nhất với đề xuất của Chính phủ chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) phát biểu ý kiến. 

Theo đại biểu, thuế GTGT đối với nhóm mặt hàng  phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế đã tác động rất lớn đối với ngành sản xuất phân bón trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Điều này không chỉ khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút, mà còn cản trở việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ phân bón thế hệ mới, hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

Đặc biệt trong giai đoạn cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới giai đoạn 2015-2020 (trước thời điểm dịch COVID-19), giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đều có mức tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ, có nguy cơ phá sản. 

Do đó, nếu việc sửa Luật Thuế GTGT lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế GTGT và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Khi mặt hàng phân bón được áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư… 

“Nếu chuyển đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế, sang áp dụng thuế suất sẽ có lợi cho cả 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân; giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu” - đại biểu nêu quan điểm. 

Đại biểu cũng cho rằng, trường hợp tiếp tục giữ phân bón trong diện không chịu thuế GTGT như hiện hành thì các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón tiếp tục là đối tượng được hưởng lợi từ việc phân bón không chịu thuế GTGT tính từ thời điểm sửa luật số 71/2014/QH13.  Đối tượng bị ảnh hưởng là tất cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phân bón trong nước và ngành sản xuất này có thể bị thu hẹp dần và được thay thế bằng phân bón nhập khẩu; khu vực nông nghiệp về lâu dài sẽ phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững, vì phân bón là đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và chịu nhiều tác động của cung cầu trên thị trường thế giới.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phát biểu tranh luận.

Tranh luận với nhiều đại biểu lo ngại áp thuế 5% với phân bón sẽ mà tăng giá bán, ảnh hưởng đến người nông dân, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cũng khẳng định: "Việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón có lợi cho ba nhà, đó là nhà nông, nhà nước và doanh nghiệp”. Đồng thời nhấn mạnh khi Chính phủ, Quốc hội bàn một vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp, chắc chắn chúng ta không thể ban hành một chính sách làm ảnh hưởng, gây thiệt hại cho họ mà hướng tới việc xây dựng, ban hành một chính sách tốt nhất.

Đại biểu chỉ rõ, với thuế GTGT, đầu vào - đầu ra phải đi cùng với nhau, đầu ra không chịu thuế, đầu vào không được khấu trừ. Đại biểu ví dụ: “Doanh nghiệp mua sản phẩm đầu vào 80 đồng, họ sẽ chịu thuế GTGT đầu vào là 8 đồng; giá phân bón bán ra 100 đồng. Nếu không được khấu trừ, nguyên tắc họ sẽ phải đưa vào chi phí, tính vào giá, giá đó sẽ là 108 đồng. Nếu đánh thuế 5%, doanh nghiệp đó được khấu trừ 8 đồng, giá bán sẽ chỉ là 105 đồng thôi".

Việc áp thuế 5% này chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp trong nước cũng được bảo vệ, người dân sẽ có cơ hội giảm giá. Nguyên tắc làm giá không phải cứ tăng thuế 5% thì giá sẽ tự động tăng 5% và người dân bị chịu ảnh hưởng.

 Lo ngại người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp

Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ lo ngại, khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) phân tích, nếu giữ như quy định hiện hành thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, khoản thuế này được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá trị sản phẩm từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế 5% sẽ xử lý được bất cập liên quan đến hoàn thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp nhưng chắc chắn sẽ làm tăng giá bán phân bón. Từ đó, tác động đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân. 

Qua nghiên cứu báo cáo tiếp thu giải trình của UBTVQH và ý kiến của Chính phủ thì đa phần nêu quan điểm tích cực khi áp dụng mức thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, chưa làm rõ và chưa đủ sức thuyết phục đối với tác động nhiều chiều và tiêu cực tới người dân. 

 Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) phát biểu ý kiến.

Theo đại biểu, trong báo cáo có nêu mặt bằng giá phân bón trên thị trường trong nước sẽ bị tác động lớn do phân bón sản xuất trong nước hiện chiếm 73% thị phần và có khả năng giảm giá bán. Đây là trong điều kiện các yếu tố khác như phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới không biến động bất thường, không tăng. Tuy nhiên nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón vô cơ trong nước cũng như chỉ áp dụng bồi hoàn còn phụ thuộc vào nhập khẩu, việc đánh giá có khả năng giảm giá bán và khó khả thi khi việc này không được pháp luật quy định, chỉ dựa trên tổng hợp đánh giá. Bên cạnh đó doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật vận hành theo kinh tế thị trường. Việc này cũng không thể đảm bảo có diễn ra hay không vì nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp làm điều này.

Chưa kể, hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu để nông dân và cư dân nông thôn có trình độ đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông thôn, nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển nhanh bền vững, hiệu quả bảo đảm vững chắc an ninh trong lực lượng quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, đảm bảo môi trường sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy khi ban hành các chính sách cần đặc biệt coi trọng các yếu tố có lợi cho người dân, không làm tác động ảnh hưởng tiêu cực tới người dân. Do đó, đề nghị giữ như quy định hiện hành, phân bón chuyển sang điều 5 về các đối tượng không chịu thuế GTGT là phù hợp.

 Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) phát biểu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị phải nghiên cứu kỹ vấn đề này. Đại biểu nhấn mạnh, nếu tăng thuế với mặt hàng phân bón thì tác động đến người nông dân và người dùng nông sản. “Hiện nay người nông dân mua phân bón thì không có hoá đơn, do đó làm gì được khấu trừ đầu vào. Do đó, nếu áp thuế 5% thì người nông dân phải chịu” - đại biểu lo ngại.

 Đại biểu nhắc lại phương án đã đề xuất tại Kỳ họp thứ 7 là đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT nhưng để mức thuế suất 0%. Theo đó, các doanh nghiệp phân bón được khấu trừ đầu vào mà người nông dân cũng không phải chịu thuế GTGT. 

"Để nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp phân bón trong nước thì doanh nghiệp phải tính toán để nâng nao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, nghiên cứu để giảm giá thành phân bón…" - đại biểu lưu ý./.

Theo dangcongsan.vn