Độ tương phản
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ hai, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là dự án luật có tác động sâu rộng đến toàn xã hội.
Góp ý đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn thảo luận về độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, điều kiện hưởng chế độ thai sản, về nội dung tạm dừng, chấm dứt, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về người thừa kế để đảm bảo đầy đủ, thống nhất.
ĐBQH Nguyễn Thị Huế - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn nêu ý kiến về việc hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, về độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí…
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tham gia ý kiến về sự cần thiết thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Đây là dự án luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, có nhiều chính sách, liên quan đến một số luật, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp. Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, rà soát các nội dung đầy đủ; sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 154 điều (bỏ 2 điều; bổ sung 2 điều; ghép 1 điều; giảm 1 điều so với dự thảo Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội).
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thể hiện sự đồng tình với việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt trong dự thảo Luật trên cơ sở phân tích các lý do từ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế; thể hiện đồng tình cao với sự cần thiết thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại án đặc thù; tuy nhiên, đại biểu đề nghị trước mắt chỉ nên tổ chức Tòa án sơ thẩm chuyên biệt tại 3 thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Trong tuần làm việc thứ hai, Quốc hội cũng thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tại phiên thảo luận, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn và đa số ý kiến đại biểu thể hiện sự đồng thuận cao với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo nghị quyết kèm theo. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung về nội dung, tiến độ thời gian trình một số dự án luật, dự thảo nghị quyết cụ thể. Các đại biểu cũng góp ý kiến về các vấn đề cụ thể, tập trung phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều biện pháp bảo đảm tiến độ chuẩn bị trình các dự án luật, nghị quyết theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật…
Thảo luận phiên toàn thể về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, ĐBQH tỉnh đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết tại nghị trường.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phân tích mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp trong giai đoạn hiện nay, từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ đẩy sớm việc đề xuất và trình Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) để kịp thời điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Thảo luận tại tổ về các dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, đồng chí Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với nội dung các dự thảo các Nghị quyết; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết này tiếp tục giao quyền cho địa phương trong chủ động triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách được giao, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của địa phương. Đồng chí Hoàng Duy Chinh đề nghị Chính phủ xem xét, sớm tổng kết chính sách thí điểm mà không cần thiết phải sau 3 năm…; để quy định được rõ ràng, đề nghị điều chỉnh lại nội dung quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết về thẩm quyền của UBND tỉnh Nghệ An trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Đối với hồ sơ về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đề nghị cần làm rõ nội dung kiến nghị của cơ quan thẩm tra về “Đề nghị cân nhắc việc miễn trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp gây thiệt hại cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp”. Bởi nếu cho phép miễn trừ thì khi có thiệt hại, người dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ đến đâu để được bồi thường, hỗ trợ… Để quy định được rõ ràng, đại biểu đề nghị làm rõ trước khi thông qua dự thảo Nghị quyết...
Trong tuần thứ ba của Kỳ họp, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán nhà nước. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ xem xét, lựa chọn nội dung chất vấn các Bộ trưởng tại Kỳ họp./.
ĐBQH tỉnh Bắc Kạn - Một năm nhìn lại (01/01/2025)
Tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả (01/01/2025)
Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh năm 2024 (31/12/2024)
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024 (30/12/2024)
Khẩn trương thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về sáp nhập thôn, tổ dân phố (30/12/2024)