PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/06/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Mô hình du lịch cộng đồng mới tạị Ngân sơn
Ngân Sơn được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều nơi có vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác nhiều để phát triển du lịch. Nhận thức rõ những thế mạnh của địa phương cùng với kinh nghiệm làm du lịch đã lâu năm, các bạn trẻ Nguyễn Văn Phước (sinh năm 1991), Doanh Thị Hồng Chuyên (sinh năm 1994) và Doanh Hồng Na (sinh năm 1996) ở thôn Bản Đăm, xã Đức Vân đã mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy cảnh sắc, văn hóa, truyền thống địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

3 thanh niên trẻ đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ di chuyển từ thành phố Bắc Kạn, chúng tôi có mặt tại điểm Tình Khau Khang, một trong những điểm dừng chân mới tại Ngân Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 1,5 km về hướng Cao Bằng. Đây là địa điểm có view ngắm toàn cảnh thị trấn Vân Tùng, được thiết kế theo phong cách sân vườn với không gian mở rộng rãi, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, có chòi che mái cọ, cỏ cây xanh mướt và những bồn hoa rực rỡ. Không gian càng trở nên lãng mạn và nên thơ hơn những lúc hoàng hôn và khi thị trấn lên đèn. Du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực địa phương với những món ăn đa dạng, phong phú như gà ta rang muối cùng các món gà nướng, nộm, luộc, ăn kèm rau xanh, khẩu nua lếch nhiều màu... Du khách còn được nhâm nhi ly rượu ngô, men lá đựng trong ống trúc và tận hưởng những giây phút bình yên, thư thái của cuộc sống.

Du khách nghỉ chân tại Tình Khau Khang

Những món ẩm thực của địa phương

Chị Doanh Thị Hồng Chuyên cho biết, Ngân Sơn cũng đã khai thác một số địa điểm nổi tiếng để phát triển du lịch, tuy nhiên cách làm vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa được đầu tư và quảng bá rộng rãi. Hình thức chủ yếu là kinh doanh đồ ăn, uống mà chưa có nhiều hoạt động vui chơi và lưu trú, cảnh quan chủ yếu tự nhiên mà chưa được đầu tư xây dựng và cải tạo nhiều. Từ thực tế đó, tôi đã cùng chồng là anh Nguyễn Văn Phước và em gái tôi là Doanh Hồng Na quyết định đầu tư phát triển du lịch cộng đồng đồng, phát huy cảnh sắc và những giá trị truyền thống của địa phương. Chúng tôi mong muốn du khách khi đến đây có những trải nghiệm thú vị trong khung cảnh quan thiên nhiên hoang sơ nhưng đầy lãng mạn, được mặc thử những bộ trang phục dân tộc địa phương, thưởng thức những món ăn thôn quê dân dã như trám đen, mận, đào, lê ta, hạt dẻ, các món chế biến từ gạo khẩu nua lếch, xôi trứng kiến... Những ai yêu thiên nhiên hẳn không thể bỏ qua những vườn hoa mận, hoa đào lung linh, rực rỡ vào mùa hoa nở rộ cách điểm Tình Khau Khang không xa.

Điểm dừng chân tiếp theo cách Tình Khau Khang khoảng 2 cây số, chúng tôi đến với ngã ba hồ Bản Chang (thuộc xã Đức Vân). Nằm ngay bên bờ hồ là những vườn hoa, tam giác mạch, hoa hướng dương, hoa cúc lá nhám, hoa cánh bướm... được 3 thanh niên kỳ công vun trồng, chăm sóc để du khách check-in. Điểm dừng chân này đã được đầu tư xây dựng nhà hàng để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách. Nơi đây còn có sân bãi rộng để du khách tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, cắm trại, câu cá bên hồ Bản Chang. Phía bên kia vườn hoa, du khách được thả hồn vào một không gian xanh, yên tĩnh, mát mẻ bên những hàng thông, lưu lại những bức hình đẹp và đây sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình này.

Học sinh Trường Tiểu học Đức Vân (huyện Ngân Sơn) chụp ảnh bên vườn hoa ven hồ Bản Chang

Để quảng bá và thu hút du khách, anh Phước, chị Chuyên và chị Na đã đẩy mạnh tuyền truyền trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram, Viber, Tik Tok. Trong đó, kênh truyền thông chính là Facebook cá nhân Na Na có 5.000 bạn bè và gần 4.000 người theo dõi, kênh Tik Tok @nanabackan có hơn 8.000 người theo dõi. Các địa điểm đều được hiển thị trên Google Map để những khách hàng vãng lai dễ tìm kiếm nhận biết vị trí, đặc biệt là khách người nước ngoài.

Nhờ vậy, mặc dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2023 nhưng mô hình du lịch cộng đồng của 3 bạn trẻ đã đón số lượng khách tương đối lớn. Ngoài phục vụ đạo cụ chụp hình như trang phục dân tộc, khăn, ô..., du khách còn được phục vụ bữa ăn nấu theo kiểu truyền thống của địa phương; được giới thiệu về bản sắc của đồng bào dân tộc Tày nơi đây, được tuyên truyền về lối sống xanh, ý thức bảo vệ môi trường... Trong tương lai, những bạn trẻ này mong muốn xây dựng những đội văn nghệ thôn, bản phục vụ du khách, homestay lưu trú và liên kết với các địa điểm nổi tiếng của huyện Ngân Sơn tạo thành tour du lịch.

Trước khi kết thúc hành trình, chúng tôi ghé thăm khu trưng bày sản phẩm lưu niệm tại điểm dừng chân NaNa (cũng tại thôn Bản Đăm, xã Đức Vân) lựa chọn cho mình những món quà để lưu giữ kỷ niệm của chuyến đi cũng như tặng cho người thân.

Điểm dừng chân Na Na

Chị Chuyên chia sẻ thêm, du lịch bền vững là du lịch gắn liền với cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu “du lịch Kha Bản” (nghĩa là du lịch thôn quê dân dã) với tiêu chí vị trí gần - chất lượng - thân thiện - hiệu quả kinh tế. Chúng tôi mong muốn nhiều người biết đến Ngân Sơn hơn, phấn đấu phát triển thành một hợp tác xã vững mạnh trong ngành du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương./.

Ngọc Tú