PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đợt 2 Kỳ họp thứ 7, ĐBQH tỉnh đóng góp nhiều ý kiến đối với các dự án luật
Đợt 2 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 17/6 đến sáng ngày 29/6. Trong tuần đầu, Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều nội dung, các dự án luật quan trọng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thảo luận về
dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Trong đó, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)… Tại Kỳ họp, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp nhiều ý kiến đối với các dự án Luật này.

Trong phiên họp sáng 17/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đã kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang gặp phải trong quá trình triển khai Chương trình như: Về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đề nghị có chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng đối với người Kinh sinh sống lâu năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (không phải là hộ nghèo); đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ vay vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để các hộ gia đình có thêm kinh phí thực hiện xây dựng nhà ở; đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sớm ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” để tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này…

Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng. Đồng chí Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành Tổ thảo luận số 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi. Các đại biểu cơ bản nhất trí với các Tờ trình của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đối với các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trên.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đã có nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) như: Về các thành phần hồ sơ bổ nhiệm công chứng viên; quy định về thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng viên; quyền và nghĩa vụ của công chứng viên. Đối với nội dung mới về Công chứng điện tử, đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng để đưa vào dự thảo luật.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân có nhiều kiến nghị về chính sách phát triển cây dược liệu Việt Nam, các vấn đề liên quan đến thông tin và quảng cáo đối với các sản phẩm thuốc và thuốc điều trị…

Đồng quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng đề nghị trường hợp kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử cần thiết phải có quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn đối với những loại thuốc được phép kinh doanh, những đối tượng được phép tham gia mua, bán theo phương thức thương mại điện tử và hình thức giao thuốc đến khách hàng để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.


ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ về các dự án luật

Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Bổ sung thêm nguyên tắc “phục hồi” vào quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa; bổ sung quy định “ưu tiên ngân sách nhà nước để phục dựng lại các điểm di tích không còn các công trình” để gắn trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đồng thời, đề nghị bổ sung hành vi “cấm hủy hoại rừng” thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để các địa phương quản lý tốt hơn khu vực cảnh quan của di tích.

Thảo luận góp ý đối với dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đại biểu Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu I nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng các luật liên quan để bổ sung, sửa đổi các nội dung quy định trong dự thảo Luật cho đầy đủ, đồng bộ.

Góp ý đối với dự thảo Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Hoàng Văn Hữu cho rằng cần cân nhắc quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng luật trong thực tiễn.

Thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần đủ nghiêm khắc để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, đồng thời đảm bảo tính nhân văn để mở đường cho các trẻ chưa thành niên nhận sai lầm, tự sửa chữa và tái hòa nhập cộng đồng.

ĐBQH tỉnh cũng đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Đây là dự án luật mới được Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 trong đợt 1 của Kỳ họp này và dự kiến xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ hop nhằm đưa 4 Luật trên sớm đi vào cuộc sống.

Trong tuần cuối cùng của Kỳ họp thứ 7 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết xem xét, thông qua các luật và nghị quyết quan trọng. Dự kiến ngày 29/6, Quốc hội bế mạc Kỳ họp./.

Ái Vân - Hương Lan