PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đưa Bắc Kạn trở thành điểm nhấn của du lịch vùng Việt Bắc
Việt Bắc giữ vị trí là 1 trong 7 vùng du lịch của quốc gia, không chỉ là vùng đất thiêng lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu, Việt Bắc được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh quan hùng vĩ được Nhân dân các dân tộc nơi đây gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Với giá trị tiềm năng lớn về du lịch, những năm qua, thực hiện liên kết hợp tác đã tạo lực đẩy cho du lịch các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Nhờ đó, thương hiệu du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc dần được định vị trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Hệ thống hang động của Bắc Kạn khá phong phú và hấp dẫn đối với du khách
(Ảnh: Động Hua Mạ, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể)

Bắc Kạn là tỉnh nằm trong vùng Chiến khu Việt Bắc, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, với các điểm di tích quan trọng của quốc gia như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn; Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nà Tu; Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông; Khu du lịch Ba Bể với hồ Ba Bể là di tích Quốc gia đặc biệt, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN, khu RAMSAR thứ 1.938 của thế giới và khu RAMSAR thứ 3 của Việt Nam. Tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hấp dẫn, hệ thống sông, hồ, hang động phong phú… là những điều kiện quan trọng để tỉnh phát triển mạnh hoạt động du lịch.

Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế; phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch Quốc gia, đón ít nhất 32.000 lượt khách quốc tế và 1 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, trong 3 năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện hoàn thành một số nhiệm vụ theo nội dung Nghị quyết đề ra như xây dựng đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch Quốc gia; trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển điểm du lịch Bắc Kạn; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông từ thành phố Bắc Kạn đến các điểm du lịch của hồ Ba Bể…

Theo các chuyên gia, để đưa du lịch Bắc Kạn trở thành điểm nhấn trong vùng Việt Bắc thì cần có những giải pháp đồng bộ; trước tiên phải tạo ra được hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc địa phương. Một trong những yêu cầu cơ bản của sản phẩm du lịch là phải tạo ra sự khác biệt so với các địa phương khác, bởi vì du khách đi du lịch là đi tìm sự khác biệt, bổ sung cho những cái còn thiếu trong kho nhu cầu không bao giờ là đủ của mình. Đó chính là dòng chảy bất tận của nhu cầu trong cuộc sống con người, cũng là động năng cho sự phát triển sáng tạo không ngừng nghỉ của những người làm du lịch.

Bắc Kạn đang nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo từ điệu múa bát truyền thống

Với riêng du lịch Bắc Kạn cần tập trung đầu tư xây dựng các điểm đến tầm cỡ, đẳng cấp như Khu du lịch Ba Bể, Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn và tập trung vào các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch văn hóa - trải nghiệm… Đặc biệt, tỉnh cần xây dựng phát triển các chuỗi sản phẩm du lịch đồng bộ, phong phú, độc đáo, hấp dẫn trong từng khu, điểm du lịch cũng như trên phạm vị toàn tỉnh; hình thành các sản phẩm bổ trợ như các câu lạc bộ hát then, đàn tính, hát páo dung, hát sli, lượn phục vụ du khách; xây dựng các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tắm lá thảo dược của đồng bào dân tộc và hệ thống sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng; xây dựng chuỗi sản phẩm hàng lưu niệm, đặc sản, sản vật địa phương, đồng thời bố trí khu vực trải nghiệm…

Tại khu vực hồ Ba Bể, theo các chuyên gia, ngoài việc đánh giá lại các phương tiện vận chuyển khách đang hoạt động, cần nghiên cứu để đóng mới đội tàu hiện đại, sang trọng, vận chuyển khách trong lòng hồ với kiểu dáng, kích thước, hình thức và chất lượng đặc biệt, gây ấn tượng cao đối với du khách. Kết nối phương tiện vận chuyển để phát triển du lịch sông, hồ hài hòa, hợp lý. Kết hợp giữa các tàu hiện đại chở khách trên các hồ với các bè, mảng, thuyền đảm bảo đẹp, an toàn, chở khách trên sông Năng (xã Nam Mẫu), sông Chợ Lèng (xã Quảng Khê) của huyện Ba Bể và sông Tà Điểng (xã Nam Cường) huyện Chợ Đồn.

Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1496/QĐ-TTg ngày 30/11/2023 mở ra một giai đoạn mới cho việc gìn giữ và phát huy giá trị ATK Chợ Đồn, tạo điều kiện để xây dựng thêm điểm đến hấp dẫn của du lịch địa phương, khu vực cũng như toàn quốc.

Với tiềm năng phát triển du lịch phong phú, tuy nhiên, để Bắc Kạn là điểm nhấn của du lịch vùng Việt Bắc cũng như điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua trong du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc thì cần phát triển du lịch trọng tâm, trọng điểm, chất lượng cao, hướng tới đẳng cấp để xây dựng và khẳng định thương hiệu mạnh; tránh phát triển ào ạt, tràn lan, tránh xu hướng, người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch. Tổ chức không gian cho du lịch Bắc Kạn với 3 trụ cột chính là Hồ Ba Bể - ATK Chợ Đồn và các thôn, bản văn hóa du lịch đặc sắc ở các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bắc Kạn cho rằng: “Bắc Kạn hội đủ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đa dạng, hấp dẫn để phát triển du lịch nhưng đến nay ngành “công nghiệp không khói” vẫn chưa thể bứt phá. Đây là điều trăn trở của Bắc Kạn nhiều năm nay, trong đó có những người làm du lịch như chúng tôi”.

Thương hiệu du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc dần định hình, ngày càng được du khách và các doanh nghiệp lữ hành biết đến và lựa chọn. Giải quyết được vướng mắc, gỡ được “nút thắt” đang gặp phải sẽ tạo đà cho du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc phát triển lên tầm cao mới, hiện thực mục tiêu của các tỉnh trong vùng đặt ra, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, trong đó Bắc Kạn cũng không nằm ngoài đích đến này trong tương lai./.

Thu Trang