Độ tương phản
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,45%, giao dịch ở mốc 66,95 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm 2,09%, giao dịch ở mức 71,05 USD/thùng.
Trong tuần qua, giá dầu tiếp tục chịu tác động mạnh bởi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 1 năm, nhu cầu yếu từ Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm tốc độ cắt giảm lãi suất cũng như những dự báo tăng trưởng nhu cầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Ngay đầu tuần, giá dầu giảm mạnh sau khi kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của các nhà đầu tư. Thêm vào đó, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng 0,3% - mức thấp nhất trong 4 tháng - càng củng cố lo ngại về nhu cầu yếu tại quốc gia này.
Tiêu thụ dầu mỏ tại Trung Quốc, động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, đã gần như không tăng trưởng trong năm 2024 do tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu xăng giảm vì sự phát triển nhanh chóng của xe điện và khí tự nhiên hóa lỏng đang dần thay thế dầu diesel.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá dầu Brent và WTI cùng giảm trên 2%, do lo ngại nhu cầu yếu từ Trung Quốc, đồng USD tăng giá, chỉ số kinh tế khả quan của Mỹ và những bình luận xoay quanh khả năng FED giảm tốc độ cắt giảm lãi suất. Cũng trong tuần trước, hạn chế đà giảm của giá dầu trong tuần là dự báo tăng trưởng nhu cầu của OPEC và IEA.
OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 0,11 triệu thùng/ngày so với dự báo tăng trưởng hồi tháng trước. OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu dầu năm 2025 xuống 1,54 triệu thùng/ngày, từ mức 1,64 triệu thùng/ngày trong báo cáo hồi tháng 10.
Ngược lại với dự báo của OPEC, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 sẽ tăng thêm 60.000 thùng/ngày, lên 920.000 thùng/ngày và giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 990.000 thùng/ngày trong năm 2025.
Trước đó, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng, kinh tế đang tăng trưởng, thị trường việc làm vững chắc và lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ là những lý do khiến FED có thể thận trọng với tốc độ và phạm vi cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Sau bình luận của Chủ tịch FED, các nhà giao dịch đã dự đoán rằng FED sẽ không thay đổi lãi suất tại cuộc họp vào tháng 12. Các nhà giao dịch cũng giảm kỳ vọng về việc FED nới lỏng cắt giảm lãi suất vào năm 2025./.
Chủ tịch FED đánh giá tích cực về kinh tế Mỹ (05/12/2024)
WB cảnh báo về gánh nặng nợ nước ngoài của các nước đang phát triển (04/12/2024)
Giá dầu thế giới kết thúc tuần giảm mạnh (02/12/2024)
Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt thù địch và đối thoại ở Syria (02/12/2024)
Thế giới tuần qua: Căng thẳng chưa hạ nhiệt tại Trung Đông (01/12/2024)