PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hiệu quả bước đầu từ dự án cải tạo thâm canh cây chè tại xã Mỹ Phương
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, Dự án cải tạo, thâm canh cây chè tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đã bước đầu cho kết quả khả quan.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nương chè tham gia Dự án tại thôn Mỹ Vy đang phát triển tốt

Mỹ Phương hiện có trên 300 ha chè, trong đó có 249 ha chè đang cho thu hoạch. Từ năm 2013 đến nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a, xã Mỹ Phương đã hỗ trợ các hộ dân cải tạo được hơn 100 ha chè bản địa, chè cành. Song song với đó, để đảm bảo quy trình trồng, chăm sóc và phát triển của cây chè, xã đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng chè, sản xuất chè theo quy trình mới để người dân áp dụng. Nhờ đó, những năm gần đây, năng suất chè nâng lên đạt khoảng 35,5 - 40 tạ/ha; toàn xã thu hoạch khoảng hơn 1.300 tấn chè tươi/năm. Tuy nhiên, so với năng suất trung bình của cả nước vẫn thấp hơn rất nhiều, phản ánh trình độ canh tác chè của người dân địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, năm 2023, từ vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Ba Bể đã hỗ trợ thực hiện Dự án cải tạo thâm canh cây chè tại xã Mỹ Phương thông qua tổ cộng đồng sản xuất chè gồm 77 hộ dân tại 3 thôn Nà Cà, Mỹ Vy, Bjoóc Ve, xã Mỹ Phương; trong đó có 49 hộ nghèo và cận nghèo, 5 hộ mới thoát nghèo. Dự án được thực hiện nhằm hỗ trợ các dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây chè để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

Dự án được triển khai từ tháng 10/2023 - 10/2024 với quy mô 12ha/chu kỳ sản xuất. Tham gia Dự án, các hộ dân được hỗ trợ phân bón; tập huấn kỹ thuật đốn, hái nương chè cần cải tạo, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè…

Là 1 trong 23 hộ gia đình tại thôn Mỹ Vy tham gia Dự án, cô Nông Thị Nhung cho biết, gia đình cô trồng chè đã lâu năm với diện tích khoảng 0,3 ha. Khi Dự án triển khai, cô đăng ký tham gia với diện tích 0,18 ha. Sau khi được tập huấn, gia đình cô chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè đúng kỹ thuật, cây chè phát triển tốt và cho năng suất cao hơn hẳn những diện tích chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống.

Cũng có nương chè tham gia Dự án tại thôn Mỹ Vy, cô Hoàng Thị Vương Cho biết, được tập huấn, hướng dẫn cách đốn chè, làm cỏ, bón phân, cô đã áp dụng vào sản xuất và nhận thấy cây chè phát triển tốt hơn. Hiện nay, chè đang ra búp nhiều, hầu hết các gia đình trong tổ sản xuất đều luân phiên đổi công hái chè mới kịp.

Mặc dù đến tháng 10/2024 mới kết thúc nhưng qua quá trình sản xuất thực tế cho thấy, Dự án được triển khai có hiệu quả. Người dân trồng chè đã áp dụng những kỹ thuật được hướng dẫn vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ; cây chè phát triển tốt hơn, năng suất tăng 20 - 30% so với những diện tích người dân tự chăm sóc không theo đúng kỹ thuật.

Nà Cà, Mỹ Vy, Bjoóc Ve là 3 thôn thuộc địa bàn khó khăn của xã Mỹ Phương, có 183 hộ dân; các hộ chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo hình thức hộ gia đình, mức thu nhập của người dân còn thấp. Dự án thực hiện có hiệu quả và được nhân rộng trong thời gian tới sẽ giúp người dân địa phương có sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập và thoát nghèo, cải thiện cuộc sống./.

Hương Dịu