PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Bạch Thông
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường nguồn lực đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của huyện.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Múa bát của dân tộc Tày tại Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông xuân Giáp Thìn năm 2024

Bạch Thông là nơi sinh sống của 5 dân tộc chính là Tày, Dao, Nùng, Kinh Hoa và một số ít dân tộc Mông, Mường, Sán Chí cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng và được lưu truyền qua bao thế hệ với nhiều loại hình phong phú như phong tục, tập quán, lễ hội, di tích lịch sử, tiếng nói, chữ viết, văn hóa ẩm thực, nhà ở, tín ngưỡng tôn giáo, trang phục… tạo nên một tổng thể hài hòa, thống nhất và đa dạng.

Trên địa bàn huyện hiện có lễ hội truyền thống của tất cả các xã, thị trấn, nổi bật nhất là Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông và Lễ hội Lồng tồng Hà Vị; có 11 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia là Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông (thị trấn Phủ Thông) và Di tích lịch sử Nà Tu (xã Cẩm Giàng). Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như hát then, múa bát của dân tộc Tày; hát pá dung của dân tộc Dao; lễ cấp sắc của người Dao Tiền…

Xác định rõ vai trò của văn hóa, huyện Bạch Thông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường nguồn lực đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của huyện. Hội xuân truyền thống của các địa phương được duy trì tổ chức đảm bảo an toàn, tiết kiệm và đúng với phong tục tập quán địa phương; trong đó lễ hội truyền thống lớn nhất huyện là Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông và Lễ hội Lồng tồng Hà Vị được UBND huyện phục dựng đậm đà bản sắc dân tộc và được tổ chức với quy mô ngày càng lớn, thu hút ngày càng đông đảo Nhân dân địa phương và du khách đến tham gia.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được huyện quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông (thị trấn Phủ Thông) và Di tích lịch sử Nà Tu (xã Cẩm Giàng) luôn được quan tâm quản lý, bảo vệ, đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả nước nói chung.

Hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân được huyện Bạch Thông quan tâm chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện. Đến nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa; 139 hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố được phê duyệt.

Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ. Toàn huyện hiện có hơn 50 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa duy trì hoạt động ở các địa bàn dân cư; có 1 câu lạc bộ hát then - đàn tính cấp huyện; gần 30 câu lạc bộ thể thao, thu hút số người tham gia luyện tập thường xuyên đạt trên 30% dân số. Hằng năm, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng được các địa phương duy trì tổ chức gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, biểu diễn chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, các lễ hội xuân… góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo tồn những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận ngày càng được lan tỏa.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Hằng năm, toàn huyện có trên 90% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 100% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” và 93% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, khơi dậy lối sống văn hóa lành mạnh, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau cùng phát triển kinh tế ngày càng lan tỏa rộng khắp; qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Đình Kim dạy hát Then, đàn tính miễn phí tại xã Vi Hương

Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, vị trí của văn hóa, trên địa bàn huyện có nhiều tập thể, cá nhân tích cực chung tay, góp sức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó có thể kể đến như Nghệ nhân dân gian Nguyễn Đình Kim ở xã Vi Hương và Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phong Phùng Thị Sim dạy miễn phí hát then, đàn tính cho các cháu thiếu nhi; chị Mã Thị Dạy ở xã Mỹ Thanh duy trì Câu lạc bộ hát then - đàn tính và thành lập nhóm chuyên sản xuất đàn tính, trang phục áo chàm dân tộc Tày, Nùng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh; Hợp tác xã Thiên An ở xã Vi Hương phát triển các sản phẩm trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Dao địa phương, đó là những hoa văn thổ cẩm độc đáo, những bài thuốc cổ truyền dân tộc …, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Dao, đồng thời nâng cao thu nhập cho đồng bào Dao địa phương.

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Bạch Thông đã làm cho đời sống văn hóa của Nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quá tốt đẹp của các dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành, góp phần to lớn vào việc xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ; chủ động sáng tạo, khát vọng vươn lên, phát huy được vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.

Hương Dịu