PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/03/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huyện Bạch Thông: Hiệu quả từ Phong trào “Dân vận khéo”
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Bạch Thông đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào “Dân vận khéo” (DVK). Qua đó, tập hợp được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Mô hình rau an toàn của chị Triệu Thị Xoa 

Thôn Nà Váng, xã Đôn Phong có 72 hộ thuộc 3 dân tộc Tày, Kinh, Dao cùng chung sống. Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong thôn ngày càng được cải thiện. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các mô hình DVK vận động Nhân dân phát triển sản xuất, trong đó có mô hình “Nhân rộng diện tích cánh đồng 100 triệu/ha” của đảng viên Triệu Thị Xoa. 

Từ mô hình của gia đình triển khai năm 2017 đem lại hiệu quả kinh tế khá với thu nhập từ vườn rau 0,4 ha đạt 150 - 200 triệu đồng/3 vụ/năm, chị Triệu Thị Xoa đã vận động các chị em phụ nữ, các hộ gia đình trong thôn cùng thực hiện. Đến nay, trong thôn đã có thêm 3 mô hình trồng rau an toàn của các chị em phụ nữ mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững tại thôn.

Cùng với vận động Nhân dân cùng phát triển kinh tế, bản thân chị Triệu Thị Xoa luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; tích cực tuyên truyền, vận động chi em hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác ngay tại hộ gia đình, thực hiện trồng hoa ven đường nội thôn tạo cảnh quan gia đình, thôn xóm sạch, đẹp. Đến nay, ý thức của chị em hội viên phụ nữ và Nhân dân trong thôn được nâng lên rõ rệt, giảm thiểu đáng kể việc xả rác bừa bãi ra môi trường, nơi công cộng; đường làng đã được quét dọn, phát quang sạch sẽ.

Tường rào bảo vệ cơ sở vật chất Nhà văn hóa thôn được Nhân dân thôn Bắc Lanh Chang đóng góp xây dựng

Thôn Bắc Lanh Chang, xã Lục Bình có 110 hộ dân gồm 3 dân tộc Tày, Nùng, Kinh cùng chung sống. Đời sống chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, một số ít hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Xác định rõ người dân đóng vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, Trưởng thôn Bắc Lanh Chang Hà Thị Sự đã xác định, “Dân vận khéo” là một trong những giải pháp quan trọng để khơi dậy sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng quê hương, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Chính vì vậy, bà Sự đã cùng Ban Công tác mặt trận thôn tích cực thực hiện công tác dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở, sâu sát với Nhân dân để tuyên truyền những chủ trương, chính sách liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. 

Tích cực hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhân dân thôn Bắc Lanh Chang đã tự nguyện hiến gần 900 m2 đất ruộng để làm đường nội đồng thuận tiện cho việc đi lại và sử dụng nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Sau khi thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, Nhân dân trong thôn đã thống nhất ủng hộ các nguồn lực để xây tường rào bảo vệ cơ sở vật chất với chiều dài hơn 68 m và đổ bê tông sân nhà văn hóa, sân vui chơi cho trẻ em với tổng diện tích 540 m2 thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; xây dựng vườn hoa trước nhà văn hóa và khu vui chơi trẻ em, thực hiện các tuyến đường liên thôn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của xã. Đến nay, khuôn viên nhà văn hóa thôn đã hoàn thành khang trang, thu hút các tầng lớp Nhân dân trong thôn, trong xã cùng tham gia giao lưu thể dục, thể thao; khu vui chơi của trẻ được xây dựng an toàn.

Ngoài ra, Nhân dân trong thôn Bắc Lanh Chang còn duy trì quét dọn tổng vệ sinh khu vực nhà ở, đường làng ngõ xóm vào ngày 25 hằng tháng; thường xuyên thu gom rác thải sau mỗi ngày, nhất là ngày chợ phiên; đóng góp tiền và công lao động để lắp thêm một số bóng điện thắp sáng ở các đoạn đường trong ngõ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Ngoài mô hình DVK của chị Triệu Thị Xoa và Nhân dân thôn Bắc Lanh Chang, trên địa bàn huyện Bạch Thông có hàng trăm mô hình DVK được các tập thể, cá nhân được triển khai có hiệu quả. Hiện nay, toàn huyện có 124 mô hình DVK được công nhận, gồm 92 mô hình của tập thể và 32 mô hình của cá nhân, trong đó có 20 mô hình điển hình. Các mô hình được triển khai thực hiện đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền./.

Hương Dịu