PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huyện Ngân Sơn từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở
Trong những năm qua, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh, huyện Ngân Sơn đã tích cực khai thác nguồn vốn tài trợ và huy động vốn trong Nhân dân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn như hệ thống điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Những năm qua, nhờ sử dụng lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn, nhất là từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, hàng trăm km đường giao thông của huyện Ngân Sơn đã được xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có tuyến Quốc lộ 3 và Quốc lộ 279 với chiều dài 92,4 km, đường tỉnh 251, 252A, 252B với tổng chiều dài 42,8 km; đường huyện (ĐH.21, ĐH.22, Đường kết nối từ trung tâm xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn của tỉnh Bắc Kạn với Hoa Thám, huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng) có chiều dài 30,95 km; đường xã có 74 tuyến với tổng số trên 259 km; có tổng số 45 cầu bao gồm cầu bê tông cốt thép, cầu bản, cầu treo, cầu tràn.


Dự án xây dựng đường giao thông nội thị thị trấn Vân Tùng đang được triển khai thực hiện

Đặc biệt, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng được hoàn thiện tạo động lực để phát triển kinh tế. Xác định giao thông nông thôn là một tiêu chí quan trọng về kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, nhiều năm qua, huyện đã chủ động dành nguồn ngân sách địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án khác, huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp và nguồn lực trong Nhân dân để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Theo thống kê của huyện, hệ thống đường giao thông nông thôn (đường trục xã, liên xã, liên thôn; đường thôn, bản; đường nội đồng, vào khu sản xuất) có tổng chiều dài hơn 300 km. Hệ thống giao thông hoàn thiện đã kết nối với mạng lưới giao thông của tỉnh và các địa phương khác góp phần quan trọng trong giao thương hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Cùng với hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế của huyện cũng được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Toàn huyện có 1 bệnh viện và 10 trạm y tế xã; bệnh viện huyện đã được đầu tư xây dựng kiên cố với quy mô 50 giường bệnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, nhiều trang thiết bị y tế còn thiếu và không phù hợp nên nhiều ca bệnh phức tạp vẫn phải chuyển lên tuyến trên.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giáo dục được đầu tư mở rộng theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn huyện có 28 trường học trực thuộc, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây mới 54 phòng học, 3 thư viện, 12 phòng chức năng, 4 phòng ở bán trú… Nhờ đầu tư cơ sở vật chất trường học nên chất lượng giáo dục của huyện được nâng lên. Đối với giáo dục tiểu học, hằng năm có 99,9% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. Đối với giáo dục THCS, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 43%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 97%.

Những năm gần đây, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện từng bước phát triển, ngày càng thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Toàn huyện có 7 chợ xã, thị trấn; có 6/7 chợ đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135, chương trình trung tâm cụm xã. Việc quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại đã giúp lưu thông hàng hóa của người dân địa phương và cung cấp các sản phẩm tới người tiêu dùng. Sự phát triển đó đã góp phần tăng quy mô thương mại, đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương.

Cùng với đó, hệ thống điện lưới của huyện từng bước được nâng cấp, nâng cao tỷ lệ số hộ sử dụng điện an toàn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Toàn huyện có 110 trạm biến áp với tổng công suất là 17.625kVA. Hiện tại, 10/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có điện lưới đến trung tâm xã. Số hộ được dùng điện lưới quốc gia tăng dần hằng năm, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đến nay đạt 94,76%. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện hiện nay còn 34 thôn, bản, nhóm hộ chưa có điện lưới quốc gia với tổng số hộ dân là 392 hộ tại các xã: Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Thượng Quan, Thuần Mang, Hiệp Lực, Trung Hòa, thị trấn Nà Phặc. Tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Tổng công ty Điện lực Miền Bắc tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện cho 3 huyện, trong đó có huyện Ngân Sơn. Đề xuất này đã được Tổng công ty Điện lực Miền Bắc nhất trí hỗ trợ kinh phí để phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia của tỉnh nâng lên 98,5% theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Từ đó, huyện Ngân Sơn cũng nâng mức tỷ lệ người dân sử dụng điện.

Trong những năm tới, huyện Ngân Sơn tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện các đề án phát triển hạ tầng đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch vốn được giao để hoàn thiện hạ tầng cơ sở trên địa bàn, nhất là ở vùng nông thôn để nâng cao đời sống của Nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương ngày càng phát triển./.

Hương Lan