PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/10/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021-2025
Ngày 07/10/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021-2025 (tại Quyết định số 1811/QĐ-UBND).

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn đã có những bước chuyển biến rõ nét, được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đã chủ động tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Trong đó: 100% các doanh nghiệp đã có giao dịch thương mại điện tử, 80% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 40% doanh nghiệp tham gia các trang thông tin điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 30% ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh…

Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, đạt được các mục tiêu cụ thể như: Trên 50% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%; 50% các giao dịch mua hàng trên Website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử; 40% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 80% Website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; trên 500 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý Nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp./.

Nông Cúc