PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng - “Báu vật” của thành phố Bắc Kạn
Thành phố Bắc Kạn có Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng, còn gọi là rừng Nà Noọc được xem là “báu vật” giúp giữ gìn, bảo tồn và phát triển thiên nhiên, đa dạng sinh học; cân bằng môi trường sinh thái và thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

“Báu vật” của thành phố

Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng được thành lập vào tháng 7/2019 theo Quyết định số 1094/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Khu bảo vệ cảnh quan cách trung tâm thành phố Bắc Kạn khoảng 15 km, cách Quốc lộ 3 khoảng 500 m. Khu có diện tích trên 594 ha, nằm tiếp giáp giữa phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn và xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới. Qua điều tra, khảo sát thực địa của các chuyên gia, đây là khu vực có quần thể khoảng hơn 500 cây gỗ nghiến có đường kính từ 20 cm đến hơn 100 cm cùng nhiều thực vật quý hiếm khác. Ngoài ra, khu vực này hiện đạng bảo tồn một số loài thực vật quý hiếm như Trai lý, Thiên tuế, Trám đen, Lát hoa, Mây tắt… Đây là khu vực rất hiếm trong cả nước có rừng nghiến gần trung tâm thành phố.

Trong Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng, tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích trên 195 ha ghi nhận sự xuất hiện đa dạng của các loại thảm thực vật như rừng tự nhiên cây lá rộng thường xanh trên núi đá vôi trung bình, rừng tự nhiên cây lá rộng thường xanh trên núi đá vôi nghèo, rừng tự nhiên cây lá rộng thường xanh trên núi đã vôi phục hồi…. Cùng với đó, hệ động vật trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt còn trên 100 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài quý hiếm có giá trị bảo tồn cao như Rắn hổ mang, Tắc kè, Cầy hương, Khỉ mặt đỏ, Mèo rừng, Cu li lớn, Dơi lá quạt…


Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng Nà Noọc

Bảo vệ “lá phổi xanh”

Với hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú, Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng không chỉ là nơi bảo tồn và phát triển thiên nhiên, đa dạng sinh học mà còn được xem như lá phổi xanh góp phần điều hòa không khí cho thành phố và các địa phương trong vùng. Vì vậy, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài cho mục tiêu phát triển bền vững của thành phố nói riêng và của cả tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Theo đó, những năm qua, các cấp, các ngành và lực lượng chức năng của thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, ngăn chặn để rừng trong Khu bảo vệ cảnh quan phát triển một cách tự nhiên không bị chặt phá hủy hoại.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, được giao tổ chức quản lý, Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn thường xuyên tuần tra, giữ gìn, bảo vệ diện tích quản lý, nhất là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đang sinh trưởng. Bà Nông Thị Thanh Hảo - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn cho biết, cùng với việc tuần tra, Hạt Kiểm lâm thành phố đã ứng dụng hiệu quả phần mềm giải đoán ảnh vệ tinh, hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện sớm các điểm nghi mất rừng. Thông qua giải đoán ảnh vệ tinh, cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn sẽ xác định chính xác tiểu khu, khoảnh, lô của chủ rừng, diện tích rừng bị mất, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.


Kiểm tra hiện trạng rừng qua phần mềm giải đoán ảnh vệ tinh

Tuy nhiên, để bảo vệ rừng hiệu quả nhất vẫn là từ chính cộng đồng dân cư. Ông Nguyễn Đăng Mạnh, Tổ trưởng tổ 7, kiêm Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng Nà Noọc cho biết, phường Xuất Hoá đã thành lập được 17 tổ bảo vệ rừng. Hằng tháng, các tổ luân phiên thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng; đồng thời thường xuyên kết hợp với lực lượng Kiểm lâm thành phố nắm bắt thông tin và tuyên truyền để người dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Mặc dù Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng thuộc địa phận xã Xuất Hoá, nhưng thôn Nặm Dất, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới lại là khu vực vùng đệm gần nhất của Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng. Hiện nay, hơn 61 ha diện tích rừng quanh khu vực cộng đồng dân cư này đã được giao khoán cho người dân để cùng bảo vệ. Để giữ rừng hiệu quả, thôn Nặm Dất cũng đã thành lập tổ nhận khoán bảo vệ rừng gồm 9 thành viên. Cùng với các tổ bảo vệ của phường Xuất Hoá, các thành viên tổ bảo vệ rừng thôn Nặm Dất cũng tham gia tuần tra, kiểm tra rừng định kỳ… 

Bên cạnh việc bảo tồn nguồn tài nguyên rừng quý giá, thành phố cũng có kế hoạch khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái hợp lý tại Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng như tổ chức các tour, tuyến du lịch và các hoạt động khám phá, trải nghiệm gắn với hồ thuỷ điện Thác Giềng; xây dựng, tạo các con đường đi bộ tham quan, trải nghiệm tại Thác Bạc và Thác Vằng Loỏng trong Khu bảo vệ cảnh quan; xây dựng chuyên mục, bài viết, hình ảnh, phóng sự giới thiệu, quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng về điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm… - Phó Chủ tịch UBND xã Xuất Hoá Hoàng Hữu Khiếu cho biết.

Từ trung tâm thành phố lên tới Khu bảo vệ cảnh quan chỉ khoảng 15 km nhưng suốt bao nhiêu năm nay, rừng trong Khu luôn được gìn giữ, phát triển. Có được điều đó là do cộng đồng dân cư quanh vùng luôn ý thức được tầm quan trọng mà quan tâm bảo vệ. Dạo quanh dưới tán rừng, ngắm những thân cây nghiến cổ thụ, nghe tiếng chim hót mới thấy giá trị và ý nghĩa của rừng. Ông Nguyễn Đăng Mạnh tâm sự: “Bà con trong thôn luôn xem Khu bảo vệ cảnh quan là “báu vật”, là “lá phổi xanh” của thành phố, là bức tường xanh chắn gió lạnh khi mùa đông về, làm mát những mùa hè oi bức. Vì thế mà người dân cả quanh Khu bảo vệ cảnh quan đều quyết tâm giữ rừng…”./.

Thu Cúc