Độ tương phản
Nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế chuyên ngành Oxera đã chỉ ra, gần 4.000 sự kiện thời tiết cực đoan liên quan đến khí hậu đã tác động đến 1,6 tỷ người từ năm 2014 đến 2023.
Chỉ trong 2 năm gần đây, thiệt hại kinh tế toàn cầu liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan đã lên tới 451 tỷ USD - tăng 19% so với 8 năm trước đó. Phân tích của Oxera cũng nhấn mạnh tác động nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển - với các sự kiện thời tiết cực đoan thường gây ra thiệt hại về kinh tế vượt quá GDP hàng năm của các quốc gia này.
Bản báo cáo được công bố tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) được tổ chức tại thủ đô Baku của Azerbaijan, cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. ICC kêu gọi các chính phủ phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng này.
Hội nghị COP29, trong đó các nhà lãnh đạo thế giới tranh luận về trách nhiệm của các quốc gia giàu có trong việc hỗ trợ các nước nghèo chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích nghi với tình trạng Trái Đất ấm lên và đối phó với thiệt hại từ các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Ông John Denton, Tổng thư ký ICC, cho biết: “Dữ liệu trong thập kỷ qua chứng minh rõ ràng rằng biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai. Nền kinh tế thực đang phải gánh chịu những tổn thất lớn về năng suất do các hiện tượng thời tiết cực đoan ngay tại thời điểm này”.
Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt, cháy rừng, hạn hán và sóng nhiệt… không chỉ gây thiệt hại về tài sản vật chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, thương mại, và các ngành dịch vụ toàn cầu.
Báo cáo cho thấy, xu hướng tăng dần trong chi phí thiệt hại từ các hiện tượng thời tiết cực đoan từ năm 2014 đến năm 2023, với mức tăng đột biến vào năm 2017 khi mùa bão hoạt động mạnh gây thiệt hại lớn cho khu vực Bắc Mỹ.
Mỹ là quốc gia chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất do các hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn 10 năm qua, lên tới 935 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 268 tỷ USD và Ấn Độ 112 tỷ USD. Đức, Australia, Pháp và Brazil cũng nằm trong top 10 các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Denton nhấn mạnh, cần những kết quả cụ thể để đẩy nhanh hành động khí hậu, đặc biệt là trong bối cảnh rủi ro kinh tế hiện nay. Để đạt được điều này, cần có một gói tài chính toàn diện để giúp các nước chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và chống chịu biến đổi khí hậu.
Ông cũng cho rằng, việc tài trợ cho các nước đang phát triển không phải là từ thiện, mà là một khoản đầu tư vào một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và bền vững hơn. Từ góc độ kinh doanh, việc hành động khẩn cấp, phối hợp và tập thể để giảm phát thải và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng.
Ông Ilan Noy, nhà kinh tế học chuyên về thảm họa tại Đại học Victoria Wellington cho biết, số liệu từ báo cáo của ICC phù hợp với các nghiên cứu trước đây của ông nhưng nhấn mạnh rằng dữ liệu đó chưa phản ánh đầy đủ bức tranh thực tế. Ông cho biết: "Điều đáng chú ý là những con số này bỏ sót tác động đáng kể tại các cộng đồng nghèo và các quốc gia dễ bị tổn thương”.
Biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nghiên cứu của ông Ilan Noy được thực hiện vào năm ngoái ước tính, thiệt hại kinh tế hàng năm do thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu lên tới 143 tỷ USD. Tuy nhiên, do thiếu dữ liệu, đặc biệt ở châu Phi, đánh giá này có thể chưa đầy đủ.
ICC kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động nhanh chóng để hỗ trợ tài chính cho các quốc gia cần giúp đỡ trong việc cắt giảm ô nhiễm và phát triển bền vững để có thể chịu được những cú sốc từ những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt./.
New Zealand nỗ lực đạt mục tiêu “không khói thuốc” vào cuối năm 2025 (20/11/2024)
Giá dầu thế giới giảm mạnh (19/11/2024)
Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thiết lập khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Trung Đông (19/11/2024)
Thế giới nỗ lực giảm phát thải khí methane (18/11/2024)
Tổng thống Ukraine muốn chấm dứt xung đột vào năm 2025 (17/11/2024)