Độ tương phản
Kinh tế Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh các quốc gia khác trên toàn cầu phải đối mặt với tăng trưởng chậm khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
GDP của Trung Quốc ghi nhận mức tăng 4,5% trong quý I/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với quý IV/2022, kinh tế Trung Quốc tăng 2,2%. Trước đó, GDP của nước này tăng 2,9% trong quý IV/2022 so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo số liệu được thống kê, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 10,6% trong tháng 3 vừa qua, mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2021 và vượt xa mức dự báo là 7,4% nhờ các giao dịch trực tuyến tăng mạnh.
Bên cạnh đó, đầu tư vào tài sản cố định trong 3 tháng đầu năm tăng trưởng yếu hơn so với mức dự báo, khi ghi nhận mức tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp trong tháng 3 tăng 3,9%, thấp hơn so với dự đoán của giới chuyên gia là 4%. Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong quý vừa qua cũng tăng 5,4%, đồng thời chỉ số sản xuất dịch vụ cũng tăng 9,2%, dẫn đầu là dịch vụ lưu trú, ăn uống và công nghệ thông tin.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối tháng 3 giảm xuống 5,3%, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch COVID-19 là 5%.
Năm 2022, GDP của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là 5,5%. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc cần nhiều thời gian hơn dự kiến. Năm 2023, Chính phủ Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng về ngưỡng 5%.
Trung Quốc còn nhiều dư địa để tăng trưởng
Chuyên gia kinh tế từ các tổ chức tín nhiệm lớn như Fitch và SPGlobal cho rằng, Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2023. Đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang diễn ra trên diện rộng, từ bán lẻ, công nghiệp, cho đến xuất khẩu… vượt xa ước tính của giới chuyên gia.
Theo dữ liệu vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, trong tháng 3, xuất khẩu của nước này đã phục hồi ấn tượng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, đảo ngược so với mức giảm 6,8% ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay và chấm dứt chuỗi giảm kéo dài trong gần nửa năm.
Ngoài ra, nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong tháng 3 giảm 1,4% so với một năm trước, trong khi dự báo của các nhà phân tích là giảm 5%. Con số này cũng cải thiện đáng kể so với mức giảm 10,2% của 2 tháng đầu năm.
Kết quả trên vượt ngoài dự báo, cho thấy sự cải thiện của các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sau khi Bắc Kinh bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 vào cuối năm ngoái.
Theo một cuộc thăm dò, các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho cả năm 2023 ở mức 5,3%, gần như phù hợp với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra. Nếu năm 2022 tăng trưởng vẫn còn rất yếu, thì năm nay Trung Quốc có nhiều dư địa để tăng trưởng.
Cần tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế
Ông Fu Linghui, người phát ngôn NBS nhận định, nền tảng cho đà phục hồi kinh tế hiện nay chưa bền vững do tình hình quốc tế phức tạp và nhu cầu trong nước chưa đủ lớn để có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế. Ông Fu Linghui cho biết, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn phải đối mặt với những rủi ro về nhu cầu của thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, ông Fu Linghui khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đã có sự khởi đầu thuận lợi cho năm 2023 và niềm tin thị trường cũng cải thiện đáng kể.
Ngay sau khi dữ liệu thống kê được NBS công bố, Giám đốc điều hành của NF Trinity, bà Helen Zhu cho biết, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến nhiều biện pháp kích thích từ Chính phủ vào cuối năm nay. "Tôi cho rằng, mức tăng trưởng trong quý II sẽ cao hơn 5%, trong khi đó nhiều chính sách kích thích kinh tế sẽ được thực hiện trong quý III", bà Zhu nói.
Theo bà Zhu, dữ liệu vừa được công bố đã đẩy lùi những hoài nghi về khả năng tăng trưởng năm 2023 của kinh tế Trung Quốc và sắp tới có thể sẽ có có những điều chỉnh tăng trong dự báo GDP. “Những con số này mạnh hơn nhiều so với dự đoán và tôi nghĩ đây thực sự là khởi đầu tốt cho năm nay", bà Zhu nhấn mạnh.
Nhà kinh tế trưởng tại thị trường Trung Quốc của ING, bà Iris Pang thể hiện kỳ vọng Chính phủ sẽ tung ra thêm nhiều biện pháp kích thích để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng. "Để giữ mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và tăng số lượng tháp 5G. Chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng nhanh hơn ở mức 6% trong quý II. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ dự báo GDP cả năm ở mức 5% vì nhu cầu bên ngoài mới là vấn đề đáng lo ngại trong năm nay", bà Pang cho biết.
Ngày 17/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm ít nhất 170 tỷ nhân dân tệ (25 tỷ USD) cho các ngân hàng thông qua các khoản cho vay trung hạn và giữ nguyên lãi suất của các khoản vay này ,nhằm ổn định tăng trưởng và việc làm, đồng thời tập trung đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước. PBoC cũng quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,75% lần thứ 8 liên tiếp.
Dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo rằng các xu hướng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của Trung Quốc bao gồm căng thẳng địa chính trị, nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn và lạm phát cao trên toàn cầu./.
Chủ tịch FED đánh giá tích cực về kinh tế Mỹ (05/12/2024)
WB cảnh báo về gánh nặng nợ nước ngoài của các nước đang phát triển (04/12/2024)
Giá dầu thế giới kết thúc tuần giảm mạnh (02/12/2024)
Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt thù địch và đối thoại ở Syria (02/12/2024)
Thế giới tuần qua: Căng thẳng chưa hạ nhiệt tại Trung Đông (01/12/2024)