Độ tương phản
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 212 ha rừng trồng cây bạch đàn, phân bố chủ yếu ở Chợ Mới, Ngân Sơn, Na Rì... Trước phản ánh của các địa phương về việc một số diện tích trồng cây bạch đàn có hiện tượng cành lá bị héo, chưa rõ nguyên nhân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê diện tích và kiểm tra, đánh giá tình hình sinh vật gây hại rừng trồng bạch đàn. Qua thống kê, rà soát, hiện có 26,5 ha rừng trồng bạch đàn sinh trưởng kém và có hiện tượng bị chết.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh hại trên một số diện tích rừng trồng bạch đàn tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới. Kết quả kiểm tra cho thấy, cây bạch đàn xuất hiện bệnh cháy lá, khô cành ngọn do nấm Cryptosporiopsis eucalypti gây ra. Bệnh cháy lá, khô cành ngọn thường phát sinh, gây hại vào đầu mùa mưa, bệnh hại nặng làm lá cây bị khô, cháy, cành ngọn bị khô, cây sinh trưởng phát triển kém. Hiện tại, các diện tích bị bệnh cây đã ra lá mới, chưa phát hiện cây bị chết.
Để phòng, chống kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh cháy lá, khô cành ngọn gây ra trên rừng trồng bạch đàn trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính và dự báo chính xác tình hình phát sinh và mức độ gây hại các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lâm nghiệp’ thông tin kịp thời và nâng cao nhận thức, hiểu biết của chủ rừng và người dân trong áp dụng các biện pháp chủ động phòng ngừa dịch hại cây lâm nghiệp với phương châm “phòng là chính”, bảo vệ thiên địch tự nhiên và đa dạng sinh học.
Đồng thời, hướng dẫn chủ rừng chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá, khô cành ngọn cây bạch đàn kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra vườn rừng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để chăm sóc, bảo vệ rừng trồng bạch đàn; khi phát hiện bệnh cần chặt bỏ hết các cành lá bị bệnh đem tiêu huỷ để tránh bệnh lây lan trước mùa mưa. Khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ như: Zin 80WP, Daconil 75WP, Ridomil Gold 68WG, Zineb Bul 80WP… Tuyển chọn các giống, loài bạch đàn nuôi cấy mô đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận (giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng) để đưa vào trồng rừng nhằm hạn chế thiệt hại.
Chi cục Kiểm lâm trong thời gian tới thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây lâm nghiệp, trong đó có bạch đàn để đảm bảo nguồn giống chất lượng phục vụ sản xuất; chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, cán bộ Kiểm lâm địa bàn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân nhận biết, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lâm nghiệp, trong đó có cây bạch đàn.
Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lâm nghiệp của các địa phương./.
Tỉnh đoàn tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn (05/11/2024)
Hướng dẫn người dân tham gia đánh giá chất lượng điểm Bưu điện - Văn hóa xã (05/11/2024)
Đề xuất thành lập 8 Trạm Chăn nuôi và Thú y trên địa bàn tỉnh (03/11/2024)
Nâng cao tỷ lệ hồ sơ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNelD (01/11/2024)
Gần 14 ha lúa trên cánh đồng Pác Phai, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ (01/11/2024)