PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/03/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh Bắc Kạn (11/4/1900 - 11/4/2025): Tự chủ, tự hào bước vào kỷ nguyên mới
Bắc Kạn không chỉ là một tỉnh miền núi phía Bắc với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Với tinh thần tự chủ, sáng tạo và quyết tâm đổi mới, Bắc Kạn đang tập trung khai thác tối đa tiềm năng để hướng tới một tương lai phát triển bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tự chủ, tự hào về đất và người Bắc Kạn

Địa danh Bắc Kạn chính thức xuất hiện trong các văn bản vào thế kỷ XVII. Trên khu vực các dãy núi đá vôi Bắc Sơn, Ngân Sơn, sông Gâm, từ rất sớm đã có con người cư trú. Điều đó góp phần khẳng định quá trình phát triển lâu dài và liên tục của con người trên đất Bắc Kạn trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay thuộc các ngữ hệ và các nhóm ngôn ngữ khác nhau. Mỗi dân tộc ở Bắc Kạn dù trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, số lượng nhiều ít khác nhau nhưng đều có sắc thái văn hóa độc đáo, tạo nên bức tranh văn hóa nhiều sắc màu trên vùng đất này.

Từ nếp nhà sàn truyền thống đến các bộ trang phục đậm đà sắc thái dân tộc hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa. Ở tất cả các dân tộc đều có kho tàng dân gian phong phú, từ thành ngữ, tục ngữ, truyện cổ tích đến các loại hình dân ca. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nhiều nghi lễ, làn điệu, nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc Bắc Kạn vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Có thể kể đến như: Chữ Nôm của người Dao; Lễ hội “Lồng tồng” (xuống đồng); nghệ thuật múa Khèn của người Mông; hát Páo Dung của người Dao; lượn Cọi, lượn Slương của người Tày; nghi lễ cấp sắc của người Dao; lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao; nghi lễ mừng sinh nhật (hát Khoăn) của người Nùng; nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ… Những giá trị văn hóa mang đặc trưng dân tộc của vùng đất Bắc Kạn đã làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trong tiến trình 125 năm, Nhân dân Bắc Kạn đã xây dựng nên những truyền thống quý báu, đó là tinh thần cần cù trong lao động, bất khuất kiên cường trong đấu tranh, bảo vệ quê hương đất nước. Chính điều đó đã trở thành tiền đề để các tầng lớp nhân dân Bắc Kạn dấy lên phong trào cách mạng hào hùng và sôi động khi ánh sáng cách mạng rọi chiếu, đồng hành cùng cả nước vùng lên vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Nhân dân Bắc Kạn luôn sát cánh cùng Nhân dân cả nước đánh bại nhiều đạo quân xâm lược hung hãn; trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc từ Tần, Hán đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh…, các thế hệ đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn có mặt trong những đội quân chống xâm lược; qua đó hình thành, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của Nhân dân Bắc Kạn ngay từ thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, để đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa một cách có hệ thống trên quy mô lớn, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy thống trị. Cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã dấy lên phong trào kháng Pháp mạnh mẽ. Mặc dù các cuộc đấu tranh trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX không giành được thắng lợi nhưng tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của Nhân dân Bắc Kạn vẫn tiếp tục được hun đúc, nuôi dưỡng...

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập. Trong quá trình vận động cách mạng, Bắc Kạn vinh dự là tỉnh nằm trong khu giải phóng Việt Bắc. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn được giác ngộ đã sớm giành được chính quyền.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Bắc Kạn được Trung ương Đảng chọn xây dựng thành khu an toàn (ATK). Với vai trò là căn cứ địa cách mạng, Bắc Kạn ra sức bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước; hết lòng cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Trung ương sơ tán… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Bắc Kạn tiếp tục lập nhiều chiến công, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. 

Nỗ lực vươn mình để bước vào kỷ nguyên mới

Trải qua nhiều biến động, đổi thay, cùng với sự chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, lao động cần cù, sáng tạo, đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong đó, công tác xây dựng Đảng luôn được tỉnh quan tâm, coi đây là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu, thực hiện trên tất cả các mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Hiện nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 12 đảng bộ trực thuộc, 417 tổ chức cơ sở đảng, với 37.782 đảng viên (chiếm hơn 11% dân số). Chất lượng đảng viên mới kết nạp được nâng lên, nhất là trình độ học vấn cao ngày càng tăng đã góp phần làm tăng thêm nguồn sinh lực cho Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Bộ máy chính quyền, đoàn thể thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đáp ứng được yêu cầu thực tế của địa phương.


Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Bắc Kạn đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư làm cho diện mạo cảnh quan môi trường, nông thôn, đô thị ngày càng có nhiều khởi sắc, đổi thay, giao thông đi lại thuận lợi. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, kể cả đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố vững chắc. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định tạo môi trường lành mạnh để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bắc Kạn phấn đấu trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước, hệ thống không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Chặng đường 125 năm với bao công sức, tâm huyết của các thế hệ cha anh đã xây dựng nên một trang sử vẻ vang, đáng trân trọng, tự hào của tỉnh Bắc Kạn. Tiếp nối truyền thống trên quê hương cách mạng, bằng ý chí và khát vọng vươn xa, bằng tư duy và cách làm mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hướng tới Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đảm bảo an ninh chính trị, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đưa tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tự tin vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

Thu Cúc