PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Na Rì khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp
Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện Na Rì đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ nông dân duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất để đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thời gian qua, nhiều diện tích cây trồng như lúa, ngô, mỡ… của huyện Na Rì bị sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Ngành chuyên môn của huyện đã chủ động thông báo, hướng dẫn người dân phòng trừ đối với từng loại sâu bệnh. Hoạt động chăn nuôi của huyện gặp nhiều khó khăn do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi. Để phòng ngừa, kiểm soát bệnh dịch này, huyện đã cung cấp hóa chất cho các địa phương phun khử khuẩn chuồng trại, đồng thời triển khai tuyên truyền cho người dân tổ chức tiêu hủy lợn ốm, chết do dịch…

Để phòng bệnh cho đàn vật nuôi, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện thực hiện tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng trâu, bò được 3.496/4.100 liều, đạt 85,27% kế hoạch; 3.437/4.100 liều vắc xin tụ huyết trùng, đạt 83,83% kế hoạch; 3.313/4.800 liều vắc xin dại chó, đạt 69,02% kế hoạch.

Huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được 55 cuộc với 1.755 lượt người tham gia, nội dung tập trung vào hướng dẫn chăm sóc, gieo mạ; trồng cây hồng không hạt, dong riềng, lạc; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu, ngựa, gà, lợn…

Người dân xã Cư Lễ thi đào dong riềng, tạo không khí lao động sôi nổi, hào hứng

Hiện nay, các xã, thị trấn đang chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao và áp dụng giống mới, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Huyện chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng mô hình thâm canh và nhân giống hồng không hạt Na Rì LT-1”; theo đó, tiếp tục thực hiện thâm canh, cải tạo 10 ha tại xã Sơn Thành, Kim Lư và trồng mới 20,08 ha tại Quang Phong. Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lồng thương phẩm tại xã Văn Minh với diện tích 285m3 nước; kết quả đánh giá với mô hình nuôi cá lồng, tỷ lệ sống đạt 75%, trọng lượng cá trung bình 1,5 - 1,6kg/con, sản lượng thu được 3.420 kg, với giá bán từ 90.000 - 120.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 300.000 - 500.000 đồng/m3.

Huyện cũng đang phối hợp với một số đơn vị liên quan triển khai Dự án “Ứng dụng Khoa học và công nghệ trồng và bao tiêu sản phẩm cây cà gai leo tại tỉnh Bắc Kạn”. Theo đó, Dự án đang duy trì và chăm sóc 4,8 ha. Để mở rộng diện tích, huyện đang tuyên truyền, vận động người dân tại các xã Văn Lang, Sơn Thành, Lương Thượng, Trần Phú, Cư Lễ triển khai mô hình dự án đăng ký trồng mới 5,2 ha.

Từ đầu năm đến nay, diện tích nhiều loại cây trồng trên địa bàn huyện Na Rì cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch như: Cây rau các loại trồng được 203,2 ha, đạt 101,6%; cây khoai tây 23,46 ha, đạt 117,3%; cây lương thực có hạt thực hiện được 3.448,4 ha, đạt 100,2%; cây ngô trồng được 1.867,5 ha, đạt 101,4%... Các dự án liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện đang thực hiện 10/9 dự án, đạt 111,1% tại các xã Dương Sơn, Liêm Thủy, Sơn Thành, Cường Lợi, Văn Lang, Xuân Dương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 trang trại chăn nuôi lợn nái và đực giống quy mô lớn đã đi vào hoạt động, tại xã Trần Phú có 5.000 con và Liêm Thủy có 2.500 con; duy trì 9 trang trại nuôi lợn quy mô nhỏ tại các xã Trần Phú, Côn Minh, Sơn Thành, Văn Minh, Cường Lợi. Trong năm 2024, huyện dự kiến phát triển tăng thêm 1 trang trại lợn quy mô nhỏ, tuy nhiên chưa thực hiện được do đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Hợp tác xã Tài Hoan mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương

Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP được huyện triển khai hiệu quả. Đến nay, huyện có 28 sản phẩm OCOP của 23 chủ thể, trong đó 27 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan được chứng nhận 5 sao. Các mô hình kinh tế tập thể ngày càng được phát huy hiệu quả. Trên địa bàn huyện hiện có 48 hợp tác xã và 165 tổ hợp tác đang hoạt động, trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp ra thị trường sản phẩm có chất lượng tốt.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Na Rì trước mắt còn nhiều khó khăn, để tháo gỡ, huyện đang tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt tập trung kiểm soát bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, thực hiện tái đàn lợn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Phát triển các loại cây đặc sản như cam, quýt, hồng không hạt theo hướng VietGAP hoặc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…/.

Ngọc Tú