PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/02/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nô nức trẩy hội Lồng tồng Ba Bể
Lễ hội Lồng tồng Ba Bể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014 và là lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn đã được ghi vào lịch các lễ hội lớn của cả nước. Sau 3 năm tạm dừng để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, Lễ hội Lồng tồng Ba Bể xuân Quý Mão năm 2023 được tổ chức đã thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách đến trẩy hội.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Các đại biểu dự khai mạc Lễ hội

Lễ hội năm nay tiếp tục được huyện Ba Bể tổ chức tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu từ ngày 30/1 - 1/2/2023 (tức ngày 9 - 11 tháng Giêng); duy trì gồm phần lễ và phần hội. Sáng 31/1 (tức mùng 10 tháng Giêng), Lễ hội chính thức khai mạc với sự tham dự của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; lãnh đạo huyện Ba Bể và các huyện, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình dâng hương tại đền An Mạ

Trước giờ khai mạc Lễ hội, đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh và địa phương tổ chức lễ dâng hương tại đền An Mạ và thả cá phóng sinh tại hồ Ba Bể. Đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, Nhân dân no ấm.


Các đại biểu thả cá phóng sinh

Tiết mục hát then đàn tính do Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã biểu diễn

Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng Lễ hội với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, mùa xuân, đất nước, con người.


Đội múa Lân của Câu lạc bộ thể dục thể thao huyện dẫn đầu đoàn rước cỗ

Lễ rước cỗ, dâng cỗ là một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, được diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm, vừa mang đậm nét truyền thống, vừa có tính hiện đại. Dẫn đầu đoàn rước cỗ, dâng lễ là đội múa Lân của Câu lạc bộ thể dục thể thao huyện; tiếp theo là các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống các dân tộc của 15 xã, thị trấn trong huyện Ba Bể, đầu đội mâm lễ tiến lên lễ đài. Đi đầu là mâm cỗ đại diện cho Nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể. Tiếp đến là mâm cỗ của đơn vị xã Nam Mẫu, nơi diễn ra lễ hội Lồng tồng Ba Bể. Tiếp theo là mâm cỗ của người dân ở thị trấn Chợ Rã, xã Cao Thượng, Khang Ninh, Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ, Thượng Giáo, Địa Linh, Yến Dương, Chu Hương, Mỹ Phương, Hà Hiệu, Phúc Lộc, Bành Trạch.


Các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống các dân tộc đội mâm lễ tiến lên lễ đài


Ông Lục Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nam Mẫu, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội
lên thắp hương, thực hiện nghi thức khấn lễ

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lưu Quốc Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, mục đích của Lễ hội là cầu may, cầu mưa, cầu cho sự cân bằng âm dương, cho loài vật sinh sôi nảy nở, thể hiện khát vọng vươn tới ấm no, hạnh phúc của con người. Đây cũng là dịp để hội tụ, giao lưu văn hóa, giao lưu tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết tín ngưỡng, đoàn kết giữa các dân tộc. Thông qua Lễ hội nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian dân tộc phát triển. Đây cũng là cơ hội để quảng bá du lịch Ba Bể, đưa du lịch Ba Bể ngày càng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.


Chủ tịch UBND huyện Lưu Quốc Trung phát biểu khai mạc lễ hội

Tiếng trống khai hội vang lên mở đầu cho một lễ hội tưng bừng, náo nhiệt, báo hiệu cho một năm mới may mắn, thành công; một năm mới mưa thuận gió hòa. mùa màng bội thu. 


Đồng chí Bí thư Huyện ủy Ba Bể Nguyễn Ngọc Sơn đánh trống khai hội

Mở đầu các trò chơi tại Lễ hội là tung còn. Trò chơi được tổ chức tại sân bãi chính với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, các đại biểu khách quý và du khách thập phương.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình cùng các đại biểu tung còn khai hội

Cùng với tung còn, các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, chơi cù, đi thăng bằng…
thu hút được đông đảo du khách tham gia 

Điểm mới của Lễ hội Lồng tồng Ba Bể năm nay đó là giải bóng chuyền hơi thay thế bằng giải bóng chuyền da nam với sự tham gia của 12 đội bóng đến từ các huyện, thành phố và một số xã trên địa bàn huyện.

Tại Lễ hội còn diễn ra các cuộc thi khâu còn, thi làm bánh dày nhằm phát huy những giá trị văn hóa dân gian truyền thống; tạo không khí thi đua sôi nổi. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc…


Chị em phụ nữ xã Địa Linh tham gia thi khâu còn

Đội xã Nam Mẫu giã bánh dày

Trước khi Lễ hội khai mạc, tối 30/1 (tức mùng 9 tháng Giêng) đã diễn ra chương trình liên hoan văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức; nhiều người dân và du khách thả đèn hoa đăng cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới.


Các bạn trẻ thả đèn hoa đăng

Lễ hội tổ chức hội trại với sự tham gia của tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; tổ chức không gian văn hóa; tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố.


Hội trại tạo thêm sắc màu cho Lễ hội Lồng tồng Ba Bể

HTX Yến Dương đang giới thiệu sản phẩm với du khách tại gian hàng OCOP huyện Ba Bể

Lễ hội Lồng tồng Ba Bể là lễ hội xuân lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn được Nhân dân mong chờ nhất trong những ngày đầu năm mới. Chính vì vậy, sau 3 năm tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19, Lễ hội năm nay đã thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách đến trẩy hội.


Nhân dân và du khách tham dự Lễ hội

Nhiều du khách đánh giá, Lễ hội năm nay được huyện Ba Bể tổ chức bài bản, đảm bảo an ninh trật tự. Đặc biệt là rác thải tại sân bãi tổ chức Lễ hội được thu gom rất sạch sẽ, đảm bảo môi trường sạch, đẹp.


Ngay từ sáng sớm mùng 10, rác tại sân bãi chính tổ chức Lễ hội được thu gom sạch sẽ

Hương Dịu