PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nuôi dê bán chăn thả - mô hình mang lại nhiều lợi ích cho người dân
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bạch Thông đang xuất hiện một số mô hình nuôi dê bán chăn thả bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá ổn định, gợi mở hướng đi hiệu quả trong phát triển chăn nuôi của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Mô hình chăn nuôi dê thâm canh của gia đình chị Triệu Thị Thái ở thôn Nà Nghịu, xã Lục Bình là một trong những mô hình hiệu quả được nhiều người biết đến. Từng nuôi lợn, nuôi trâu nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên đầu năm nay, chị Thái quyết định chuyển sang nuôi dê. Do không có bãi chăn thả nên chị đầu tư chuồng nuôi nhốt dê. Nhằm bảo đảm thức ăn cho đàn dê, chị đã tận dụng vườn đồi trống của người thân để trồng cỏ voi. Sau gần 2 tháng chăn nuôi theo hướng thâm canh, 20 con dê của gia đình chị Thái đã được xuất bán, mang về cho gia đình một khoản thu nhập ổn định.

Cũng giống như gia đình chị Thái, chị Lường Thị Hà, thôn Nà Búng, xã Quân Hà quyết định đầu tư vào nuôi dê bán chăn thả sau vài lần đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh bạn. Để có con giống bảo đảm chất lượng, chị đã lặn lội xuống tận Vĩnh Phúc tìm mua dê về nuôi. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên chị Hà gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăm sóc và trị bệnh cho đàn dê. Khác với nuôi dê quảng canh, nuôi dê bán chăn thả đòi hỏi chế độ chăm sóc và lượng thức ăn cho dê nhiều hơn. Cụ thể, công thức cho dê ăn là 30% thức ăn tinh bột, 70% là cỏ; thời gian chăn thả phải sau 15h hằng ngày để dê không đi xa và chiều tối dễ lùa dê về chuồng. Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho đàn dê thì việc vệ sinh môi trường được gia đình chị Hà đặc biệt quan tâm, phân thải được đưa vào trồng trọt góp phần tăng năng suất cây trồng. Theo kinh nghiệm của chị Hà, nuôi dê cần chú ý về dịch bệnh như đau mắt, tiêu chảy, thường xuyên cho dê ăn các loại lá cây vừa làm thức ăn, vừa là thuốc giúp đàn dê luôn phát triển khỏe mạnh.

Hiện nay, gia đình chị Hà luôn duy trì đàn dê gần 50 con, mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng. Sau khi thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi dê của gia đình chị Hà, nhiều hộ dân thôn Nà Búng, xã Quân Hà đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi dê bán thâm canh. Đến nay, thôn Nà Búng đã có 15 hộ học tập và áp dụng mô hình nuôi dê bán chăn thả.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Quân Hà Hà Văn Mạn cho biết, trong mấy năm gần đây, mô hình nuôi dê bán chăn thả tại thôn Nà Búng đã phát triển mạnh. Mặc dù hiện nay, Hội Nông dân chưa có cơ chế hỗ trợ nhưng Hội vẫn tích cực vận động các hộ nông dân tự học tập và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình nuôi dê bán chăn thả được lãnh đạo huyện Bạch Thông quan tâm khuyến khích phát triển

Vũ Muộn cũng là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi dê phát triển mạnh của huyện Bạch Thông với hơn 1.000 con. Nuôi dê được lãnh đạo xã Vũ Muộn xác định là một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp hộ dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Theo lãnh đạo xã Vũ Muộn, dê là vật nuôi ít bị bệnh và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, dê ăn tạp, trong khi đó người dân thường thả rông nên chúng ảnh hưởng đến rừng mới trồng và sản xuất nông nghiệp, đây cũng là trở ngại cho việc tăng đàn dê của địa phương. Hiện nay, một số hộ đã chuyển sang nuôi dê theo hình thức bán thâm canh và thâm canh mang lại hiệu quả, gợi mở hướng đi mới cho nghề chăn nuôi dê của địa phương.

Hiện nay, tổng đàn dê của huyện Bạch Thông đạt gần 2.500 con, tăng gấp đôi so với năm 2017. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, dịch bệnh trên đàn gia súc còn diễn biến phức tạp thì việc người dân đẩy mạnh chăn nuôi dê là hướng đi hợp lý, hiệu quả. Tùy theo điều kiện đất đai, diện tích đồng cỏ, khả năng kinh tế mà chọn phương thức chăn nuôi quảng canh, bán thâm canh hoặc thâm canh. Những vùng có bãi chăn nuôi rộng nên chăn nuôi dê theo phương thức quảng canh. Phương thức này phù hợp với nuôi dê thịt. Lợi ích của phương thức chăn nuôi quảng canh là tiết kiệm được chi phí thức ăn, nhân công và chi phí chuồng trại nhưng bất lợi là khó quản lý đàn, khó kiểm soát được dịch bệnh và quá trình sinh sản của dê. Những nơi không có bãi chăn nuôi nên nuôi dê theo phương thức bán thâm canh hoặc thâm canh. Phương thức này phù hợp với chăn nuôi dê sữa hoặc kiêm dụng sữa - thịt. Chăn nuôi dê thâm canh hoặc bán thâm canh đòi hỏi chi phí lớn về thức ăn, xây dựng chuồng trại và nhân công nhưng lại dễ kiểm soát và quản lý về sinh sản và dịch bệnh.

Để mô hình nuôi dê bán chăn thả ngày càng được nhân rộng và có hiệu quả, huyện Bạch Thông cần quan tâm tập huấn nâng cao kiến thức trong chăn nuôi cho người nông dân, đồng thời quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương./.

Thu Trang