PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/09/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phân bố không gian phù hợp với chuyến dịch cơ cấu ngành công nghiệp để phát huy thế mạnh của địa phương
Tỉnh Bắc Kạn xác định một trong những giải pháp quan trọng để phát triển ngành công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung, phát huy thế mạnh của địa phương, đồng thời bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong những năm qua, số dự án sản xuất công nghiệp được thu hút ngày càng gia tăng, tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm nội tỉnh tăng, quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá, cơ cấu ngành công nghiệp năm 2018 chiếm tỷ lệ 5,8% tăng lên 8,6% trong 6 tháng đầu năm 2023. Ngành công nghiệp của tỉnh từng bước chuyển dịch theo hướng từ ngành công nghiệp sơ chế, chế biến thô, có giá trị thấp sang phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu, tinh chế, có giá trị gia tăng cao. Tính đến tháng 6/2023, giá trị gia tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ khoảng 43,7% trong tổng giá trị gia tăng thêm của ngành công nghiệp, tăng 2,7 điểm% so với kết quả đạt được năm 2018.

Đến nay, tỉnh đã thực hiện một số chính sách để tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản để phát huy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng của tỉnh, qua đó bước đầu hình thành thương hiệu sản phẩm công nghiệp của tỉnh trên thị trường trong nước và có tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm miến dong, tinh bột nghệ, curcumin nghệ, chì kim loại…

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong phát triển công nghiệp của tỉnh là tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chưa đạt yêu cầu phát triển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu. Nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chất lượng chưa đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp, ít có các hoạt động hợp tác giữa cơ sở sản xuất và cơ sở đào tạo. Đặc biệt thiếu mặt bằng sạch, chưa có cụm công nghiệp được xây dựng hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu tư thứ cấp; hạ tầng giao thông chưa thực sự đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa kết nối với các trung tâm kinh tế lớn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội thu hút đầu tư của tỉnh.…


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình 
thị sát địa điểm quy hoạch xây dựng Khu Công nghiệp Chợ Mới 1, tỉnh Bắc Kạn

Mục tiêu phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt trên 11%; khu vực công nghiệp chế biến chiếm 8 - 10% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, thu ngân sách từ khu vực công nghiệp tăng bình quân 10%/năm. Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng đã được Bắc Kạn xác định là phân bố không gian phù hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, trong đó tập trung vào các nhóm ngành công nghiệp mà tỉnh có thế mạnh, gồm: Công nghiệp sản xuất chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và dược liệu; công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử, công nghiệp tái chế; phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện; công nghiệp hỗ trợ, tiêu dùng. Theo đó, trong Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phân bố không gian công nghiệp bố trí dọc theo hành lang cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn, các tuyến QL3, QL3B, QL3C, QL279, tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Ba Bể…

Cụ thể, đối với khu công nghiệp, tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn 1 là 80,7 ha; tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn 2 là 80,3 ha để thu hút sớm lấp đầy 100 % diện tích của Khu công nghiệp Thanh Bình; xây dựng mới Khu công nghiệp Chợ Mới 1 là 43 ha.

Với cụm công nghiệp, tập trung đầu tư quy hoạch và xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp: Huyền Tụng, Quảng Chu, Quảng Chu 1, Cẩm Giàng, Vằng Mười, Nam Bằng Lũng, Chu Hương.. Ở các địa phương có điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút các dự án sản xuất vừa và nhỏ, phục vụ cho phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và làng nghề sẽ khuyến khích vào sản xuất tại cụm công nghiệp để đảm bảo, đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp tại những khu vực có lợi thế về giao thông như: Khu vực huyện Chợ Mới, thành phố Bắc Kạn, Chợ Đồn.

Ngoài ra, Bắc Kạn cũng có quy hoạch phát triển các cụm, điểm công nghiệp vừa và nhỏ như cụm công nghiệp Côn Minh, Nà Phặc, Thanh Mai, Thanh Vận… và các điểm công nghiệp khác ở các địa phương có điều kiện thuận lợi. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80% tối thiểu 4 cụm công nghiệp và giai đoạn 2026 - 2030 thêm 23 cụm công nghiệp. Tất cả các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo công suất xử lý toàn cụm. Định hướng của tỉnh là đến năm 2030, mỗi thị trấn sẽ có một cụm công nghiệp 10 - 20 ha; mỗi thị tứ sẽ dành khoảng 5 - 10 ha cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, tổng diện tích đất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có khoảng 674 ha. Tăng cường thu hút đầu tư sớm lấp đầy diện tích các khu, cụm, điểm công nghiệp./.

Thu Cúc