PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/03/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phấn đấu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gần 160 ha
Nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, năm 2025, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với diện tích 159,06 ha.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nông dân xã Thanh Mai (Chợ Mới) làm giàn trồng cây bí đao 

Vụ Xuân năm 2025, gia đình ông Hà Văn Nhạc tại thôn Bản Pá, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới trồng bí đao trên diện tích gần 2.000 m2 đất ruộng. Đây là vụ thứ hai gia đình ông Nhạc chuyển đất lúa sang trồng cây bí đao khi nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây trồng này đem lại cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Ông Hà Văn Nhạc cho biết, vụ mùa 2024, gia đình ông trồng bí đao với diện tích 1.700 m2 trên đất ruộng, được giá bán cao, sau khi trừ mọi chi phí thu được khoảng 50 triệu đồng; so với trồng lúa, thu nhập từ cây bí đao cao hơn gấp 6 - 7 lần. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ bí đao cao hơn các cây trồng khác và qua 1 vụ trồng bước đầu đã có kinh nghiệm chăm sóc nên vụ Xuân 2025, gia đình ông tiếp tục trồng bí đao trên ruộng.

Theo các hộ dân địa phương, cây bí đao không đòi hỏi yêu cầu chăm sóc quá cao, đầu tư vốn không nhiều, người dân có thể tận dụng cây tre nứa ở địa phương để làm giàn. Với diện tích 1.000 m cây bí đao có thể cho thu hoạch từ 4 - 5 tấn quả và thu nhập cao hơn trồng lúa gấp 3 - 4 lần ngay cả khi không được giá. Nhờ sản xuất thành vùng hàng hóa với quy mô trên 10 ha nên hằng năm, tư thương đến tận nơi thu mua, khâu tiêu thụ khá thuận lợi. Do đó, diện tích trồng bí đao đang được người dân Mai Lạp mở rộng diện tích trong năm 2025.

Năm 2025, tỉnh có kế hoạch thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là 159,06 ha; trong đó, chuyển sang trồng cây hằng năm là 141,62 ha và chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản là 17,44 ha. Việc lựa chọn loại cây trồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa theo hướng tập trung tạo thành vùng sản xuất gắn với thị trường, hình thành mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp và hợp tác xã; đồng thời việc lựa chọn loại cây trồng để chuyển đổi đảm bảo với định hướng phát triển nông lâm nghiệp của tỉnh và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đạt hiệu quả, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực. Cùng với đó, lồng ghép các chương trình, dự án và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm nông sản của địa phương; tăng cường nắm bắt thông tin, phân tích thị trường; thúc đẩy giao thương với các đối tác để lựa chọn sản phẩm đưa vào sản xuất vừa phát huy được lợi thế của địa phương, vừa có thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản. Các địa phương tuyên truyền nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm…

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho nông dân tận dụng tối đa lợi thế đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu... Chính vì vậy, thời gian qua, các địa phương đã tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả và đạt kết quả tích cực.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, toàn tỉnh chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm được trên 350 ha với cơ cấu cây trồng là rau màu, ngô, thuốc lá, khoai tây… cho thu nhập từ 90 - 150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa; chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm trên 9 ha, trồng các loại cây ăn quả như hồng không hạt, táo; chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản gần 10 ha./.

Hương Dịu