PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/02/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Ba Bể
Ngày 16/1/2025, UBND tỉnh có Quyết định số 64/QĐ-UBND phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Ba Bể giai đoạn 2021 - 2030.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Đua thuyền trên hồ Ba Bể

Phạm vi thực hiện Đề án là toàn bộ diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia Ba Bể với 10.048 ha, nằm trên địa bàn 7 xã: Nam Mẫu, Khang Ninh, Thượng Giáo, Quảng Khê, Cao Thượng, Hoàng Trĩ thuộc huyện Ba Bể và xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn.

Tổng diện tích thực hiện hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Ba Bể là 3.593,91 ha, trong đó diện tích sử dụng mặt bằng để xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí là 61,25 ha.

Theo Đề án, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bắc Kạn xác định, lựa chọn xây dựng 17 điểm du lịch sinh thái, 6 tuyến du lịch sinh thái đường thủy, 4 tuyến du lịch sinh thái đường bộ và 5 tuyến đi bộ trong rừng.

Mục tiêu đề ra đến năm 2025, thu hút 6 dự án đầu tư thuê môi trường rừng, hoàn thành đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động đối với 3 điểm du lịch sinh thái; thu hút được 150.000 lượt khách du lịch một năm, trong đó khách quốc tế chiếm 10%; thu hút du khách lưu trú trong khu vực với thời gian khoảng 2 ngày; tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 800 lao động.

Đến năm 2030, thu hút 8 dự án đầu tư thuê môi trường rừng; thu hút được 450.000 lượt khách du lịch/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 20%; thu hút du khách lưu trú trong khu vực với thời gian khoảng từ 3 ngày trở lên; tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động.

Tổng nhu cầu kinh phí khái toán cho đầu tư thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Ba Bể giai đoạn 2021 - 2030 là trên 1.000 tỷ đồng, trong đó 92,6% là vốn ngoài ngân sách và 7,4% là vốn đầu tư công.

Theo lộ trình, giai đoạn năm 2025, ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư thuê môi trường rừng các dự án: Dự án du lịch sinh thái Vườn thực vật; Dự án du lịch sinh thái Pác Slai - Khau Củm; Dự án du lịch sinh thái Ao Tiên - Nà Dường; Dự án du lịch sinh thái Động Puông; Dự án du lịch sinh thái Bờ Hồ - Kéo Sliu; Dự án du lịch sinh thái Bó Lù.

Giai đoạn 2026 - 2030, ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư thuê môi trường rừng các dự án: Dự án du lịch sinh thái Cốc Tộc - Tà Han; Dự án du lịch sinh thái Đầu Đẳng - Tà Kèn; Dự án du lịch sinh thái Nặm Dài - Khau Qua; Dự án du lịch sinh thái Pác Ngòi; Dự án du lịch sinh thái Lẻo Keo - Lủng Quang; Dự án du lịch sinh thái Slam Bắc - Nà Niềng; Dự án du lịch sinh thái Lủng Chuông; Dự án du lịch sinh thái Khuổi Luông.

Nguồn vốn đầu tư công được ưu tiên đầu tư cho các hạng mục phục vụ công tác quản lý: Trung tâm thông tin điều hành; nhà bảo tàng thiên nhiên; hệ thống diễn giải môi trường; cán bộ quản lý; đầu tư kết nối giao thông các tuyến du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Ba Bể (hệ thống điểm trung chuyển, biển chỉ dẫn, đường tuần tra bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái,…).

Vườn Quốc gia Ba Bể từ lâu đã được biết đến là Vườn Di sản ASEAN, Khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1.938 của thế giới và thứ 3 của Việt Nam. Nơi đây có hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên cần được bảo vệ của thế giới và là Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh những lợi thế về hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú và đa dạng về các loài động thực vật thì nơi đây còn được biết đến với khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan sinh thái còn nguyên sơ và lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Với lợi thế về tự nhiên và văn hoá bản địa, Vườn Quốc gia Ba Bể chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan học tập, du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm,… Trong đó đáng chú ý là loại hình du lịch sinh thái, được phát triển dựa trên việc khai thác hợp lý các điều kiện tự nhiên và nhân văn, góp phần vào hoạt động bảo tồn, bảo vệ và tôn tạo các giá trị tự nhiên và văn hóa của địa phương.

Mặc dù Vườn Quốc gia Ba Bể hằng năm có hàng vạn lượt khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu, học tập, tuy nhiên, trong những năm qua, việc đầu tư khai thác loại hình du lịch sinh thái ở khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và chưa được đầu tư đúng mức. Các sản phẩm du lịch đặc thù từ đa dạng sinh học, sinh thái cảnh quan chưa được quản lý, khai thác sử dụng hợp lý, thiếu các điểm, khu du lịch hấp dẫn được quy hoạch mang tính chiến lược lâu dài.

Vì vậy, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Ba Bể được phê duyệt sẽ khai thác, phát huy được các giá trị tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên, nhân văn, di tích lịch sử; làm cơ sở để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, tạo điều kiện để người dân, cộng đồng địa phương sống ở gần rừng tham gia các hoạt động du lịch, nâng cao thu nhập, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương, đồng thời tạo nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển bền vững tài nguyên rừng, tài nguyên thiên nhiên trong khu vực rừng đặc dụng.

Thông qua phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Ba Bể, góp phần tuyên truyền, giáo dục môi trường cho người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của khu vực, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn văn hóa, bản sắc dân tộc bản địa./.

BH