PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quốc hội thông qua nhiều nội dung quan trọng và bế mạc Kỳ họp thứ 7
Từ ngày 24/6 đến ngày 29/6, Quốc hội bước vào tuần cuối cùng của Kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung quan trọng được quyết nghị và bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia nhiều ý kiến tại tuần cuối của Kỳ họp thứ 7

Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, cả về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong tuần cuối cùng, nhiều nội dung quan trọng được thảo luận kỹ lưỡng. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược…

Với tinh thần làm việc trách nhiệm của ĐBQH, các nội dung ý kiến được góp ý một cách khoa học, chính xác, có chiều sâu, chỉ ra những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, những điểm chưa phù hợp trong các quy định pháp luật và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực.

Góp ý đối với dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh cho rằng, tại điểm a khoản 2 Điều 14 dự thảo quy định về trường hợp công chứng viên sẽ bị miễn nhiệm khi đã quá 70 tuổi mà không đề nghị được miễn nhiệm hoặc không còn đủ các tiêu chuẩn khác quy định tại Điều 8 của Luật này; quy định này chưa được đầy đủ, toàn diện và chặt chẽ, do đó, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp ngoại lệ vào khoản 2 Điều 14 dự thảo để quy định rõ ràng, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đưa ra dẫn chứng và đóng góp ý kiến về nghĩa vụ của công chứng viên, về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch, về hiệu lực của văn bản công chứng…

Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách, đề nghị nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các nghệ nhân, người thực hành trao truyền, tái tạo di sản, thực hành truyền dạy tri thức, kỹ năng cho thế hệ kế cận, đặc biệt là các nghệ nhân, người thực hành tổ chức truyền dạy đối với di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền để vừa đảm bảo công bằng, vừa thể hiện sự quan tâm, ghi nhận, động viên của Nhà nước đối với các nghệ nhân, người thực hành trong việc duy trì, bảo vệ, lưu giữ, truyền dạy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Hà Sỹ Huân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác nội dung “Quyền được cho ý kiến có được triển khai hoặc không được triển khai dự án khai thác khoáng sản tại địa bàn” để tránh tình trạng khi dự án khai thác khoáng sản hoạt động gây ảnh hưởng môi trường, sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...

Đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho rằng, đối với trường hợp kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử cần thiết phải có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về những loại thuốc được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử; những đối tượng được tham gia mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử; quy trình giao thuốc đến khách hàng, truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, cần có biện pháp đảm bảo việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử bảo mật thông tin cho người mua, giá cả hợp lý, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, nếu quy định việc bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử thì đề xuất chỉ nên áp dụng đối với những loại thuốc không cần bác sĩ kê đơn.

Bên cạnh đó, các nội dung thảo luận khác cũng được ĐBQH tỉnh tích cực tham gia đóng góp ý kiến.

Tại Kỳ họp thứ 7, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật gồm: Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Quốc hội đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao theo đúng quy định của pháp luật và nội quy Kỳ họp, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung Kỳ họp, trong đó có những vấn đề gấp, khó, phức tạp nhưng vẫn bảo đảm thông suốt, thận trọng, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tham gia sôi nổi trong các nội dung, thẳng thắn thể hiện rõ quan điểm trên cơ sở thực tiễn và nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Những đóng góp của Đoàn góp phần vào thành công chung của Kỳ họp./.

Hương Lan – Ái Vân