PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/11/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sản xuất công nghiệp khởi sắc, tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế
Giai đoạn 2021 - 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc và đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng kinh tế của Bắc Kạn.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá

Với việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án và phát triển sản xuất trên địa bàn, tỉnh Bắc Kạn ngày càng được các nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao và thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, qua đó thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.

Ông Liu Xiao Wu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam cho biết "Bắc Kạn đang thay đổi từng ngày. Cảm nhận rõ rệt nhất của tôi đó chính là sự năng động của chính quyền tỉnh. Chúng tôi đã luôn được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn kịp thời. Và khi chúng tôi triển khai dự án mới, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các thủ tục hành chính, nhanh gọn hơn, chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều"…


Ông Liu Xiao Wu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam (hàng trên, bên trái)
giới thiệu quy trình tạo ra sản phẩm của Công ty

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, giai đoạn 2021 - 2024, khu vực công nghiệp là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất, cơ bản tăng đều qua các năm, bình quân ước đạt 12%/năm, tăng 2,6 điểm phần trăm so với giai đoạn 2016 - 2020, là động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Riêng 10 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 1.578,382 tỷ đồng, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khai thác tăng 8,94%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,77%; công nghiệp sản xuất phân phối điện tăng 13,49%; công nghiệp cung cấp nước tăng 6,95%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 10 tháng tăng 10,53% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp quý III/2024 của tỉnh đạt 9,38%, xếp thứ 10 trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 35 so với cả nước.

Chuyển dịch cơ cấu hợp lý

Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng. Nếu năm 2021, ngành công nghiệp khai khoáng chiếm 36,77% tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp thì đến năm 2024 giảm xuống 32,74%; tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 47,24% năm 2021 lên 52,14% năm 2024. Đến năm 2024, khu vực công nghiệp đóng góp 6,88% GRDP trên địa bàn.

Ngành công nghiệp bước đầu có sự liên kết chuỗi giá trị, phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản xuất công nghiệp.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh, Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn luôn chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Ông Đinh Văn Hiến - Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, hơn 20 năm hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh, Công ty luôn kiên trì bám sát mục tiêu phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, đi đến chế biến sâu các loại khoáng sản. Nhờ đó, đến nay, Công ty đã xây dựng được hệ thống các thiết bị nhà xưởng với máy móc, thiết bị và công nghệ tiên tiến đồng bộ được xem là hoàn thiện nhất trong số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng kết quả sản xuất kinh doanh đã có những tín hiệu tích cực. Ước thực hiện 2024, tổng doanh thu của Công ty đạt 580 tỷ đồng, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty duy trì việc làm ổn định cho trên 400 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng; tiếp tục là đơn vị đóng góp nhiều vào giá trị sản xuất công nghiệp và ngân sách của tỉnh Bắc Kạn.

Khu vực công nghiệp đang phát triển đúng định hướng của tỉnh. Theo đó, công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với tiềm năng, lợi thế địa phương được đẩy mạnh, có bước phát triển mới với gần 400 cơ sở chuyên sơ chế, chế biến. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản được tiếp tục đầu tư, thực hiện theo các quy định gắn với công tác bảo vệ môi trường, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 51 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực và có 11 dự án chế biến khoáng sản có tổng công suất 261.500 tấn/năm, trong đó có 3 dự án mới trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đến năm 2025 sẽ đi vào hoạt động. Công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ được tăng cường thu hút, tạo đà thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh từng bước phát triển, làm vệ tinh cho các tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển trong khu vực phía Bắc. Công nghiệp sản xuất, phân phối điện được vận hành hiệu quả, tỉnh đã chấp thuận đầu tư 9 dự án thủy điện mới, trong đó đưa vào vận hành phát điện 2 nhà máy, nâng tổng công suất lắp máy của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh là 28,6 MW. Ngoài ra, tỉnh cũng tạo điều kiện, thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời…

Tạo động lực tăng trưởng mới

Trong xu thế phát triển mới, nhiều lợi thế so sánh lĩnh vực công nghiệp của tỉnh sẽ bị cạnh tranh bởi các địa phương trong vùng, khu vực có điều kiện phát triển tương đồng. Đặc biệt, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ; vấn đề thuế các-bon, công cụ kiểm chứng các-bon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới... đặt ra yêu cầu cho ngành công nghiệp cần bắt kịp xu thế mới. Theo đó, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo thêm những nguồn lực, động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy công nghiệp bền vững.

Bắc Kạn xác định sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp là một trong những nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, gia tăng giá trị xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh đã bố trí kinh phí để đầu tư hoàn thiện phần diện tích còn lại của Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II từ nguồn vốn xã hội hóa và đã có 2 đơn vị đề nghị được tài trợ quy hoạch Khu Công nghiệp Chợ Mới 1 và Chợ Mới 2, 1 đơn vị tiến hành khảo sát Khu Công nghiệp Chợ Mới 3. Cả tỉnh hiện có 7 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 234,9 ha, trong đó có 3 cụm công nghiệp đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước với tổng diện tích 49,5 ha; 4 cụm công nghiệp đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp với tổng diện tích 185,4 ha. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã và đang góp phần thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tạo đà phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.


Khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Quảng Chu, huyện Chợ Mới

Thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục duy trì các cơ sở công nghiệp hiện có, đồng thời đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến chất lượng cao, đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm nghiệp, trong đó lấy chế biến gỗ, cây dược liệu và các loại lâm sản là trọng tâm. Xây dựng những chính sách mới để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Quy hoạch tốt vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến lâm sản. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công phát triển hạ tầng phục vụ công nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư trên địa bàn để nâng dần tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế…/.

Thu Cúc