PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/12/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sản xuất nông nghiệp “sạch” - Bắt đầu từ thay đổi tư duy sản xuất
Đến nay, toàn tỉnh có gần 175 ha diện tích sản xuất nông nghiệp được cấp chứng nhận hữu cơ; trên 1.000 ha diện tích nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ; chất lượng nông sản của tỉnh đang ngày càng được nâng cao về chất lượng, nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Những kết quả đó có sự tham gia tích cực của nông dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khi nông dân thay đổi tư duy sản xuất

Nhận thấy nhu cầu nông sản “sạch” trên thị trường ngày càng cao, năm 2024, anh Đường Ngọc Cảnh, thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn đã đầu tư xây dựng nhà màng với diện tích hơn 400 m2 đưa vào sản xuất. Vụ đầu tiên anh trồng thử nghiệm với dưa chuột, sử dụng phân chùn quế, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Anh Đường Ngọc Cảnh chia sẻ về việc sản xuất theo nhu cầu nông sản “sạch”
trên thị trường

Anh Cảnh cho biết, anh đã đầu tư nhà màng với kinh phí hơn 200 triệu đồng để quản lý được các mầm sâu bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào, đồng thời chủ động chăm sóc được cây trồng tốt hơn, sản phẩm được đánh giá chất lượng và bán được với giá cao hơn ngoài thị trường.

Cũng tại xã Hiệp Lực, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt đã đầu tư xây dựng hơn 2.000 m2 nhà màng trồng cà chua, dưa lưới, dâu tây áp dụng công nghệ tưới, phun tự động từ năm 2017. Nhờ áp dụng công nghệ khép kín đã giúp hạn chế đến 90% dịch bệnh mà còn tiết kiệm được nước tưới và chi phí nhân công lao động; chất lượng sản phẩm được thị trường đánh giá cao. Năm 2022, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt trồng dưa lưới trong nhà màng nâng cao chất lượng sản phẩm

Tại xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể, vụ mùa năm 2024 có trên 70 hộ dân thôn Pác Phai, Nà Săm thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 13,92 ha. Đây là vụ thứ ba nông dân Thượng Giáo tham gia sản xuất lúa hữu cơ. Qua mô hình, 100% các hộ đã áp dụng kiến thức được học vào thực hành trên ruộng; biết cách ghi chép nhật ký sản xuất; sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh trong quá trình chăm sóc lúa. Chính quyền địa phương và các hộ dân đánh giá, kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ đơn giản, dễ làm, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương; cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ chắc hạt cao; sâu bệnh hại nhẹ; thóc gạo sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ dễ bán hơn và bán được giá cao hơn thóc, gạo sản xuất thông thường. Từ đó, người dân đã có lòng tin vào kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ và mong muốn được mở rộng mô hình sản xuất trong những vụ tới.

Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Giáo Luân Văn Kiêm chia sẻ về hiệu quả trồng lúa hữu cơ và sự hưởng ứng của bà con địa phương

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp “sạch” để phát triển bền vững

Phần lớn nông sản của tỉnh được bán dưới dạng thô, với giá thấp hơn so với các mặt hàng cùng chủng loại cạnh tranh trong nước nước do thua kém về mẫu mã mặc dù sản phẩm được đánh giá có chất lượng tốt và đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, với thị trường cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi cả về chất lượng, mẫu mã ngày càng nâng cao, các sản phẩm yêu cầu phải đảm bảo sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là một trong những thách thức đối với phát triển bền vững nông nghiệp của địa phương.

Chính vì vậy, cuối năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu đến năm 2025, 40% các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy suất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC. Tiếp đó, năm 2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025: Vùng lúa hữu cơ 100 ha, vùng nghệ hữu cơ 45 ha, vùng cây dong riềng 70 ha, vùng chè Shan tuyết hữu cơ 80 ha, vùng hồng không hạt 80 ha, vùng mơ hữu cơ 135 ha, vùng hồi hữu cơ 250 ha, vùng quế hữu cơ 250 ha, vùng dược liệu hữu cơ 50 ha…

Để đạt những mục tiêu sản xuất nông nghiệp “sạch”, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn Nhân dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; khuyến khích người dân áp dụng công nghệ trong sản xuất, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất an toàn hoặc quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), sản xuất nông nghiệp hữu cơ… góp phần nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp.

Tỉnh cũng đã triển khai nhiều đề tài/dự án khoa học ứng dụng phát triển nông nghiệp “sạch”, tiêu biểu như Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP” đã xây dựng được 30 ha mô hình sản xuất quýt theo hướng VietGAP tại huyện Chợ Đồn, Bạch Thông; Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn”... Đến nay, thành phố có 10 nhà lưới công nghệ cao chuyên trồng các loại rau, củ, quả, hoa với diện tích 1 ha, đặc biệt có sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Dương Quang thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận; 1 mô hình thủy canh kết hợp nuôi cá lăng (mô hình đầu tiên trồng rau Aquaponics).

Không chỉ tại thành phố Bắc Kạn, qua tham quan học tập các mô hình dự án và được đào tạo, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hợp tác xã, hộ dân tại các địa phương đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, quả như Hợp tác xã Thanh niên Như Cố, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tân Sơn (Chợ Mới), Hợp tác xã Đại Hà (Bạch Thông), Hợp tác xã Phúc Ba (Ba Bể)… Các mô hình thực hiện có hiệu quả đã góp phần cung cấp rau, củ sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, diện tích thâm canh cải tạo, diện tích đạt chứng nhận về an toàn thực phẩm (ATTP) hoặc VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ,… đã được các địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 1.280 ha thực hiện sản xuất theo quy trình hữu cơ, trong đó, chủ yếu là diện tích cây lúa đang trong giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ; diện tích cây trồng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ (PGS, TCVN,…) là 174,5 ha.

Gần 14 ha lúa trên cánh đồng Pác Phai, xã Thượng Giáo (Ba Bể) đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ

Đối với cây lúa, toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Trong đó, vùng trồng lúa ở một số địa phương đã được cấy chứng nhận hữu cơ như Xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn (16,7 ha); xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể (gần 14 ha); xã Yến Dương, huyện Ba Bể (10 ha).

Đối với cây chè, toàn tỉnh có 33 ha chè đạt chứng nhận ATTP; 77 ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP (huyện Ba Bể, huyện Chợ Mới) và 53 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Ngoài ra, có 195 ha cây dong riềng đạt chứng nhận ATTP, 22,9 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ; 70 ha cây chuối đạt tiêu chuẩn ATTP; trên 1.100 ha diện tích cây ăn quả đặc sản đạt tiêu chuẩn ATTP, VietGAP, hữu cơ...

Tuy nhiên, việc thực hiện các tiêu chuẩn ATTP, VietGAP, hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn. Mặc dù được các cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhưng các tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; các chứng nhận (VietGAP, hữu cơ) có yêu cầu về các tiêu chuẩn, quy trình tương đối cao và phức tạp, trong khi quy mô sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, không tập trung nên người dân khó tuân thủ hoặc không thực hiện theo…

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về định hướng tập trung phát triển nông, lâm nghiệp; đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là về kỹ thuật sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, các kỹ năng liên quan đến thị trường và những kiến thức về sản xuất an toàn, bền vững, đặc biệt là các tiêu chuẩn như VietGAp, hữu cơ…; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp…/.

Hương Dịu