PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau cơn bão số 3
Để bình ổn thị trường sau bão số 3, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang linh hoạt, chủ động triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá, tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thị trường hàng hóa ổn định

Thời điểm hiện tại, tại thành phố Bắc Kạn, các huyện Pác Nặm, Bạch Thông, Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Mới không có địa bàn bị chia cắt, các tuyến đường giao thông trên địa bàn thông suốt, có tắc đường cục bộ nhưng đã được xử lý, không ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa cũng như đi lại của người dân. Kinh doanh hàng hóa tại các chợ diễn ra bình thường, tình hình cung ứng hàng hóa tại chỗ đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt như gạo, thịt lợn, thịt gà, rau xanh, muối, mắm, dầu ăn, xăng dầu, LPG đảm bảo cung cấp cho người dân trong thời gian chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Tại một số địa phương xảy ra tình huống bị chia cắt, cô lập do ngập úng như tại xã Nam Cường, Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn và xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dự trữ và bố trí cung cấp nguồn hàng phục vụ Nhân dân theo phương châm “bốn tại chỗ”, đến nay chưa xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các địa bàn này.

Tổng hợp thông tin từ các địa phương trên địa bàn tỉnh, nguồn cung hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tươi sống tại các siêu thị, chợ dân sinh, doanh nghiệp, nhà phân phối và các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tương đối bảo đảm nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Giá vật liệu xây dựng tại các địa bàn các huyện ổn định, giá sắt có xu hướng giảm; giá cát, xi măng có xu hướng tăng nhẹ.

Khảo sát tại một số chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau củ nhìn chung tăng nhẹ như rau muống, rau ngót 10.000 đồng/mớ, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thủy sản vẫn giữ giá ổn định so với ngày thường, thịt lợn lai 110.000 đồng - 120.000 đồng/kg, thịt lợn ta 140.000 - 160.000 đồng/kg. Nguồn cung tương đối bảo đảm nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Tại các siêu thị vẫn mở cửa liên tục, hàng hóa thực phẩm tương đối nhiều, các hàng hóa thiết yếu được bổ sung liên tục hằng ngày.

Chị Nguyễn Thị Sinh, một tiểu thương tại chợ Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn cho biết "Hàng vẫn đầy đủ, giá cũng vừa phải thôi. Mấy hôm bão người ta cũng lên 1 tí, trong đó đó một vài mặt hàng rau xanh có sự tăng giá nhẹ so với ngày thường, tuy nhiên, nhìn chung các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, rau… thì vẫn đảm bảo cả về số lượng, chất lượng cũng như mặt bằng giá cả".


Các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt tại chợ Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn 
cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân 

Bình ổn thị trường sau bão, tránh “té nước theo mưa”

Sau bão số 3, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn ổn định. Mặc dù cũng có sự tăng giá cục bộ tại một số mặt hàng nhưng không quá nghiêm trọng. Sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu, nguồn cung hàng hóa thiết yếu được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão. Công tác điều hành giá của các cơ quan liên quan kịp thời đã giúp nhanh chóng ổn định thị trường.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Sỹ Thắng cho biết, Sở Công Thương đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thành phố; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhà phân phối hàng hóa thiết yếu nhằm triển khai một số giải pháp bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng khắc phục ảnh hưởng sau bão cho các vùng bị ảnh hưởng sau bão, lũ; ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư, sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng… Đơn vị cũng chủ động rà soát, nắm chắc tình hình cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch, đặc biệt là tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi ngập, lụt; thường xuyên thống kê, rà soát phương án, cập nhật lượng dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, hệ thống phân phối để đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Trong bối cảnh dự báo tình trạng thiên tai, bão lũ vẫn còn phức tạp, để ổn định thị trường giá cả từ nay tới cuối năm, tránh hiện tượng “té nước theo mưa”, UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành giá; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông; chủ động thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến để cân đối cung cầu, ổn định thị trường, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ.

Kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá, niêm yết giá, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ; đồng thời, tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định…./.

Thu Cúc