Độ tương phản
Những ngày này, mặc dù đang bận rộn thu hoạch lúa, phơi thóc nhưng các hộ dân thôn Dài Khao vẫn tranh thủ thời tiết nắng đẹp để cắt lá chuối đem phơi. Vừa đi làm đồng về, chưa kịp nghỉ ngơi, bà Trần Thị Sai đã nhanh tay cầm theo cây sào có gắn liềm ra vườn chuối gần nhà để cắt lá chuối; những tàu lá chuối sau khi được cắt khỏi thân cây sẽ được bà Sai róc từng mảng, đem phơi.
Gia đình bà Trần Thị Sai có thu nhập chính từ trồng ngô, lúa và chăn nuôi lợn. Những năm gần đây, khi trong thôn có đầu mối thu mua, gia đình bà Sai cũng cắt lá chuối phơi khô đem bán để có thêm nguồn thu nhập. Với diện tích trồng chuối khoảng 2.000 m2, mỗi năm, gia đình bà bán được hơn 1 tạ lá chuối khô, bán giá loại 1 là 50.000 đồng/kg thu về khoảng 7 - 8 triệu.
Bà Trần Thị Sai thôn Dài Khao
Kể về câu chuyện bán lá chuối khô tăng thêm thu nhập của thôn Dài Khao, bà Trương Thị Thắm cho biết, cách đây vài năm, khi bà phơi lá chuối trước sân để làm bánh, gặp khách Cao Bằng đến du lịch hồ Ba Bể đi qua thấy lá chuối phơi khô đẹp nên đã hỏi mua. Kể từ đó, bà Thắm vừa bán lá chuối của nhà mình vừa trở thành đầu mối thu mua lá chuối khô từ các hộ dân trong thôn giao cho tư thương Cao Bằng; lá chuối khô loại 1 là lá đều, đẹp sẽ được thu mua với giá 50.000 đồng/kg và loại 2 là 30.000 đồng/kg.
Bà thắm cho biết, mỗi năm, gia đình bà bán được khoảng 2 tạ lá chuối vườn nhà; thu mua được khoảng 3 tấn lá bán cho tư thương. Từ đầu năm 2024 đến nay, bà đã thu mua được hơn 2,5 tấn lá chuối khô; từ nay đến cuối năm, nhà nào có lá chuối phơi khô đem bán bà tiếp tục thu mua, giúp bà con cũng như gia đình có tăng thu nhập. Đã có nhiều hộ gia đình trong thôn có thêm thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/năm từ việc bán lá chuối phơi khô.
Thôn Dài Khao có 139 hộ dân, phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm gần đây, bà con trong thôn có thêm thu nhập từ bán lá chuối phơi khô, nhà ít thì cũng vài triệu đồng, nhà nhiều thu được 15 - 20 triệu đồng/năm. Đây là một khoản thu tăng thêm không nhỏ đối với người nông dân. Lá chuối khô đem bán là loại lá cây chuối hột, phơi khô có màu trắng; khi phơi khô lá dai, bảo quản được lâu và được dùng để gói các loại bánh, giò.
Bà Ma Thị Lý cho biết, gia đình bà có khoảng 1.000 m2 vườn trồng chuối. Trước đây, vườn chuối chỉ để lấy thân cây chăn nuôi lợn, gà; lá chỉ được dùng đến mỗi dịp gia đình làm bánh và rất ít, còn lại bỏ phí. Khi lá chuối phơi khô được thương lá mua, gia đình bà cũng cắt lá đem phơi và bán được khoảng 3 - 4 triệu/năm. Dù không được nhiều nhưng đây là công việc làm thêm nhẹ nhàng, thay vì bỏ phí lá chuối thì nay có thêm được vài triệu bằng 1 vụ trồng lúa cùng diện tích.
Là một trong những hộ bán lá chuối khô được nhiều nhất thôn, ông Lôi Huy Thổ cho biết, trong thôn Dài Khao hầu hết nhà nào cũng có vườn chuối, nhà nào cũng cắt lá chuối phơi khô đem bán để tăng thu nhập. Gia đình ông trồng chuối vừa để phục vụ chăn nuôi vừa thu hoạch lá phơi khô đem bán để tăng thu nhập. Mỗi năm, nhà ông Thổ bán khoảng 2 tạ lá chuối khô, lá đều và đẹp bán được giá 50.000 đồng/kg, thu được 10 - 15 triệu. Đây là công việc khá nhẹ nhàng ở nông thôn, phù hợp với những người đã quá tuổi lao động như vợ chồng ông.
Theo ông Thổ, thời vụ cắt lá chuối phơi nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, khoảng thời gian này, cây chuối phát triển tốt cho cắt lá trung bình 1 lần/tháng. Từ tháng 9 trở về cuối năm, thời gian này ít lá và lá xấu vì có sương muối, phơi lá lâu khô. Cũng chính vì vậy, ông mong muốn kết nối được với cơ sở thu mua lá chuối tươi để người dân bán được nhiều lá chuối hơn, tăng cao thu nhập hơn nữa.
Ông Luân Văn Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Giáo cho biết, trên địa bàn xã Thượng Giáo, người dân đã tận dụng quỹ đất ở gần nhà, vườn bờ sông suối để trồng chuối phục vụ chăn nuôi lợn. Ở thôn Dài Khao có nhiều hộ làm bánh bán ở chợ nên ngoài trồng chuối để chăn nuôi còn lấy lá phơi khô để làm bánh. Du khách đi thăm quan hồ Ba Bể gặp người dân phơi lá chuối khô thấy đẹp nên đã thu mua. Khi thấy bán lá chuối được giá, lá chuối phơi khô có đầu ra, nông dân thôn Dài Khao đã tận dụng quỹ đất vườn, bờ sông để trồng chuối và có thu nhập tương đối ổn định, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, nhất là những người đã quá tuổi lao động.
Lá chuối đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng. Việc tận thu, đưa lá chuối khô thành hàng hóa đã nâng cao giá trị của cây chuối, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân thôn Dài Khao; đồng thời thể hiện sự nhạy bén của nông dân địa phương biết nắm bắt nhu cầu thị trường, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, biến lá chuối - phần thường bị bỏ đi sau khi lấy thân chuối phục vụ chăn nuôi trở thành tiền, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống./.
Sản xuất nông nghiệp “sạch” - Bắt đầu từ thay đổi tư duy sản xuất (23/12/2024)
Ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng (21/12/2024)
Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ góp phần giảm nghèo bền vững (20/12/2024)
Thúc đẩy tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian phát triển bền vững (19/12/2024)
Bắc Kạn có 2 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm (18/12/2024)