Độ tương phản
Ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh
Lựa chọn không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, nhiều năm nay, tỉnh Bắc Kạn kiên trì với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư khoa học công nghệ cao nhằm phát triển xanh, bền vững. Với mục tiêu này, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo nền tảng, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân, coi trọng phát triển kinh tế “xanh”.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, khu vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao (26,6% năm 2024) trong cơ cấu nền kinh tế. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như để phù hợp với xu thế phát triển, Bắc Kạn xác định phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; định hướng cho nông dân tập trung sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường. Từ đây, nhiều mô hình nông nghiệp xanh đã ra đời không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, hướng tới xuất khẩu mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên bờ sông Cầu, mô hình trồng nho của chị Nông Thị Thoan tại thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn cho giá trị kinh tế cao. Toàn bộ quy trình trồng nho hạ đen của nhà chị đều tuân thủ các quy định sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ngoài ra, để nho sinh trưởng, phát triển tốt và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, vườn nho được thiết kế đưa công nghệ vào sản xuất, như: Nước tưới chủ động theo kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước; nhiệt độ, ánh sáng cũng được chủ động điều tiết...
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 74,86 ha diện tích sản xuất nông nghiệp được cấp chứng nhận hữu cơ; 992,58 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ; 40 ha nghệ được sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ năm 2021 đến nay, Bắc Kạn đã tổ chức được 59 lớp tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật sản xuất hữu cơ trên một số cây trồng chính như lúa, cây ăn quả, cây rau,… thu hút trên 1.500 lượt nông dân tham gia.
Phát triển du lịch theo hướng xanh
Với đặc thù khai thác chủ yếu dựa trên nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn sẵn có, cùng với ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, những năm qua, Bắc Kạn cũng tập trung phát triển du lịch theo hướng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Để đáp ứng nhu cầu du khách và phù hợp với xu thế phát triển du lịch bền vững, thời gian qua, các homstay trên địa bàn huyện Ba Bể nói riêng và các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh nói chung đã chủ động xây dựng các hoạt động du lịch tham quan, trải nghiệm thân thiện với môi trường như: Tham gia đi bộ đường rừng, câu cá, thăm hang động hoặc tham gia các hoạt động quan sát chim và động vật hoang dã; tham gia cấy lúa, gặt lúa, bắt cá, hái hoa quả; trải nghiệm hát then và chơi đàn tính; trải nghiệm nghề nấu rượu, làm bánh, nghề đan lát, dệt thổ cẩm…
Hiện các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ theo nội dung Đề án phát triển khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch Quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2050; Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ giai đoạn 2022 - 2030; Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc… cùng với đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thí điểm phát triển điểm du lịch cộng đồng; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch. Tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hạn chế tối đa các nhân tố gây ô nhiễm, suy thoái môi trường
Khi thực hiện các công trình, dự án, đơn vị chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo đúng địa danh, vị trí, diện tích rừng chuyển đổi theo hồ sơ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm việc khai thác tận diệt các loài hoang dã, đặc biệt là các loài chim trong các mùa di cư, các cây rừng cổ thụ; nghiêm cấm việc khai thác đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá, giám sát hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; kiểm soát việc thực hiện các yêu cầu pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại các cơ sở gây nuôi; thực hiện các biện pháp an toàn cho người và động vật hoang dã gây nuôi, đảm bảo tuân thủ các điều kiện về vệ sinh môi trường. Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Chủ các cơ sở lưu trú tham gia hoạt động bảo vệ môi trường khu vực hồ Ba Bể
Quá trình thẩm định chủ trương đầu tư các dự án, Bắc Kạn kiên quyết không thực hiện các dự án công nghệ lạc hậu, làm thất thoát, lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án luôn chú trọng đến phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, nhất là đối với các dự án phát sinh nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình hoạt động của các dự án nhằm chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Thời gian qua, tỉnh quan tâm huy động các nguồn lực xã hội vào việc bảo vệ môi trường, bước đầu đem lại kết quả, đồng thời ban hành chính sách thu hút và hỗ trợ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào bảo vệ môi trường như: Hỗ trợ về đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường,… Nhờ vậy, có nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải, tái chế rác thải trên địa bàn tỉnh, như Công ty Cổ phần Môi trường Bắc Kạn đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn tỉnh Bắc Kạn đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, tận dụng, tái chế rác thải và giải quyết một lượng lao động nhàn rỗi cho địa phương; Doanh nghiệp tư nhân Hữu Thành đang thực hiện khảo sát vị trí, địa điểm lập dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Chợ Mới tại tổ 8, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới...
Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhất quán quan điểm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững; khẳng định mục tiêu kinh tế phát triển theo hướng xanh và năng động. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý khoáng sản; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền về vai trò của tăng trưởng xanh, khuyến khích các chủ thể, nhất là doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia; thu hút các dự án tăng trưởng xanh; “xanh hóa” sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ…/.
Hàng Việt chiếm ưu thế thị trường Tết (16/01/2025)
Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (09/01/2025)
Năm 2025, tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp và thủy sản phấn đấu đạt 4,3% trở lên (06/01/2025)
Năm 2025, trồng mới 3.500 ha rừng (03/01/2025)
Bắc Kạn quan tâm xây dựng chính sách đất đai ở địa phương (03/01/2025)