PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/02/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển bền vững ngành ong
Tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030 theo Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính bình quân trong 3 năm, từ 2022 - 2024, đàn ong trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 4.800 tổ, sản lượng đạt 12 tấn/năm, phân bổ chủ yếu tại thành phố Bắc Kạn và các huyện Chợ Mới, Na Rì, Bạch Thông, Ba Bể. Nhìn chung, với điều kiện, tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả tại địa bàn, nghề nuôi ong vừa có lợi cho người nuôi, vừa có lợi đối với trồng trọt; giá trị kinh tế đem lại góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Do đó, theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn xác định phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững ngành ong theo chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; phát triển nghề nuôi ong hàng hóa, dịch vụ gắn với sinh thái theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát huy kinh nghiệm phù hợp từ nghề nuôi ong truyền thống để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học trong nông nghiệp, tự nhiên.

Mục tiêu đề ra là duy trì ổn định và phát triển số lượng đàn ong trên toàn tỉnh đến năm 2030 đạt từ 8.000 tổ ong trở lên, tổng sản lượng mật ong đạt từ 20 tấn/năm trở lên.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh xác định 7 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2025 - 2030, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu/tổ chức triển khai thực hiện:

(1) Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chuỗi sản xuất của ngành ong.

2) Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn, lai tạo, nhân giống ong giống có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của tỉnh.

(3) Hỗ trợ các cơ sở nuôi ong xây dựng thương hiệu, bảo hộ và quảng bá sản phẩm mật ong tại các diễn đàn, hội chợ thương mại,…

 (4) Bảo tồn hiệu quả các giống ong nội để làm nguyên liệu chọn lọc; phát triển sản phẩm mật ong có chứng nhận OCOP. Điều tra về trữ lượng cây nguồn mật, cây nguồn phấn, cây nguồn mật và phấn ở địa phương.

(5) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi ong thùng kế.

(6) Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chuyên sâu về chăn nuôi ong, tổ chức sản xuất, quản lý, xây dựng thương hiệu, định hướng thị trường cho các thành viên hợp tác xã, tổ nhóm nuôi ong.

(7) Đào tạo/tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành ong cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ chuyên môn, thú y viên xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, UBND tỉnh đề nghị các tổ chức đoàn thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh… tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các thành viên hợp tác xã, các Hội có nuôi ong về pháp lý, đầu tư, khoa học và công nghệ, đào tạo, thị trường, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức, khoa học phát huy sức sáng tạo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để phát triển ngành ong; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến hội viên, Nhân dân về chủ trương, chính sách, kế hoạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi ong nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

UBND các huyện, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi ong, thu hút đầu tư phát triển ngành ong; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi ong trên địa bàn theo chuỗi giá trị, hướng hữu cơ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại hóa sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi ong được tham gia vào các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát triển ngành ong trên địa bàn…/

BH